Loạt giải pháp "đẩy" vận tải thủy Việt Nam - Campuchia tăng trưởng trên 20%
Báo Giao thông - 13/03/2023 8:20:00 CH
Cục Đường thủy đề xuất giải pháp tháo gỡ hạn chế về thủ tục, hạ tầng nhằm thúc đẩy vận tải thủy Việt Nam - Campuchia.
Tiềm năng khai thác hàng quá cảnh
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ năm 2009, Việt Nam - Campuchia đã ký kết Hiệp định về vận tải thủy (Hiệp định), có hiệu lực năm 2011, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy quá cảnh và qua biên giới trên các tuyến đường thủy quy định.
Từ khi Hiệp định có hiệu lực, hai nước đã làm thủ tục cho gần 78 nghìn lượt phương tiện, hơn 406 nghìn lượt thuyền viên, gần 20 triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách thông qua. Riêng hàng container tăng trưởng trung bình 20%/năm.
Vận tải thủy tuyến Hiệp định giữa Việt Nam - Campuchia còn nhiều tiềm năng phát triển, tăng trưởng sản lượng hàng quá cảnh
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, tiềm năng vận tải hàng giữa hai nước, nhất là hàng quá cảnh trên tuyến Hiệp định còn rất lớn. Khảo sát gần đây cho thấy, nhu cầu vận tải hàng đi, đến tại 2 cảng Phnôm Pênh và Sihanoukville (Campuchia) là 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trên tuyến Hiệp định ngày càng cao.
Tại cảng Phnôm Pênh, khu vực bến cảng container LM17 có công suất 300.000 Teus/năm. Nhưng thực tế năm 2021 đã có tới hơn 321.000 Teus hàng hoá quá cảnh đến các cảng biển khu vực TP.HCM và Cái Mép - Thị Vải.
Về sản lượng trên tuyến Hiệp định, năm 2021 đạt gần 350.000 Teus và hơn 800.000 tấn hàng lỏng, hàng rời; Năm 2022 đạt khoảng 400.000 Teus và khoảng 1.000.000 tấn hàng lỏng, hàng rời.
Về phương tiện, trên tuyến có khoảng 80 phương tiện chở dầu (trọng tải đến 3.000 tấn), 150 phương tiện chở hàng khô (trọng tải đến 4.600 tấn), khoảng 30 phương tiện chở container (trọng tải 96-250 TEU) đang hoạt động.
Trong đó, 50% hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu sản xuất do chủ hàng từ các nước đặt mua của Trung Quốc. Sau đó, 93% hàng thành phẩm sau khi gia công tại Campuchia sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Nhật Bản, châu Âu và các nước phát triển.
Theo số liệu cảng Phnôm Pênh công bố, năm 2011 khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, lượng hàng container quá cảnh qua Việt Nam bằng tuyến vận tải đường thủy là 81.631 Teus. Sau 10 năm số lượng hàng hóa qua tuyến đã đạt 321.066 Teus vào năm 2021, đạt mức tăng trưởng gần 400%, trung bình 20% mỗi năm.
Hiện nay, cảng Phnôm Pênh đang thực hiện mở rộng khu vực bến cảng ML17 làm hàng container giai đoạn 3, dự kiến sau khi hoàn thành tổng công suất sẽ là 500.000 Teus/năm. Tiếp theo, Chính phủ Campuchia đã phê duyệt giai đoạn 4 để nâng công suất cảng lên 900.000 Teus/năm.
Đối với cảng Sihanoukville (Sihanoukville Autonomous Port, viết tắt PAS), đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết từ năm 2012 đến nay, lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng trung bình 11,29%, đạt gần 7 triệu tấn; Lượng hàng container tăng trung bình 12,8%, đạt hơn 730.000 Teus vào năm 2021.
“Từ PAS hàng hóa có thể trực tiếp được vận chuyển đến các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng đối với các lô hàng đến Hoa Kỳ và châu Âu chiếm gần 80% hàng hóa, sẽ cần quá cảnh tại Singapore hoặc cảng Laem Chabang (Thái Lan) hoặc Cái Mép (Việt Nam).
Đây chính là một lợi thế cho các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải của Việt Nam khi mà hiện nay khu vực này là cảng trung chuyển của hàng hóa xuất khẩu từ PAS đi Mỹ của Campuchia.”, vị đại diện nhấn mạnh.
Tạo cơ chế thuận lợi, tận dụng cơ hội phát triển
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, có nhiều “con đường” qua các nước, từ đó đưa hàng nhập về Campuchia hoặc ngược lại, đưa hàng xuất từ Campuchia đi các nước, trong đó có tuyến vận tải Hiệp định.
Theo đó, hàng từ nước thứ 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…) về Phnôm Pênh (Campuchia) có thể đi theo Tuyến 1: Quá cảnh qua Việt Nam đi đường biển đến cảng biển Cái Mép - Thị Vải hoặc Cát Lái; Từ đây hoặc đi sà lan khoảng 380km đường sông (tuyến đường thủy Hiệp định) hoặc đi đường bộ 300km đến Phnôm Pênh.
Tuyến 2: Đi đường biển về cảng biển Sihanoukville, rồi đi 230km đường bộ đến Phnôm Pênh. Tuyến 3: Qua cảng biển Laem Chabang (Thái Lan), đi tiếp đường bộ khoảng 650km đến Phnôm Pênh.
Có nhiều tuyến vận tải hàng quá cảnh cho Campuchia, vì vậy cần tháo gỡ ngay hạn chế để tuyến đường thủy Hiệp định tăng khả năng cạnh tranh, khai thác được tiềm năng
Tuy nhiên, hiện hầu hết hàng hóa trên tuyến đường bộ kết nối Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải với Phnôm Pênh đã được chủ hàng chuyển về cảng biển Sihanoukville (Campuchia) hoặc Laem Chabang (Thái Lan). Nguyên do, TP.HCM thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa quá cảnh đi Campuchia được vận chuyển bằng đường bộ; Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng quá cảnh đi Campuchia.
Cùng đó, phía Campuchia đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc nối Phnôm Pênh với cảng Sihanoukville, rút ngắn thời gian di chuyển từ 5 giờ xuống còn khoảng 2 giờ, đồng thời có chính sách miễn, giảm phí trong năm đầu để thu hút phương tiện. Mặt khác, thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục kiểm hóa đối với hàng quá cảnh tại Thái Lan và hàng xuất, nhập khẩu tại Campuchia ngày càng được cải tiến, thuận lợi.
Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù TP.HCM đã miễn phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng tuyến Hiệp định nhưng việc kiểm hóa vẫn mất nhiều thời gian. Cụ thể, hiện nay Hải quan Việt Nam vẫn đang tiến hành kiểm tra thủ công đối với hầu hết các lô hàng hóa quá cảnh được vận tải trên tuyến Hiệp định. Biện pháp giám sát này được thực hiện như đối với hàng xuất, nhập khẩu vào Việt Nam, là chưa hợp lý.
Mặt khác, thời gian làm việc của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Việt Nam trong giờ hành chính nên không giải phóng hàng nhanh được. Hơn nữa, theo quy định hiện nay, phương tiện VR-SI không được hoạt động trên biển đoạn từ Cửa Tiểu tới cảng Cái Mép - Thị Vải, nên chỉ có thể đi theo tuyến luồng kênh Chợ Gạo. Nhưng luồng kênh này nhỏ, thường xuyên tắc nghẽn.
Những hạn chế này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của tuyến Hiệp định so với các tuyến khác, dẫn đến các chủ hàng sẽ sử dụng tuyến khác để thay thế, cụ thể là sử dụng cảng Laem Chabang của Thái Lan hay Sihanoukville của Campuchia thay vì quá cảnh qua cảng Cái Mép - Thị Vải và Cát Lái.
Vì vậy, để có thể khai thác được tiềm năng, phát triển vận tải hàng trên tuyến Hiệp định, theo đại điện Cục Đường thủy nội địa VN, cần thiết khắc phục ngay những vướng mắc, hạn chế này.
Về thủ tục hải quan, cần có quy định riêng rõ ràng về danh mục hàng hóa, về kiểm tra, giám sát hàng hóa trên tuyến Hiệp định; Nhất là đối với các hàng hóa quá cảnh bằng container còn “nguyên seal - niêm chì”, chỉ thực hiện kiểm tra thủ công khi có dấu hiệu vi phạm quy định. Có vậy mới tăng hiệu suất khai thác và cắt giảm thời gian, chi phí vận tải, logistics. Cùng đó, tăng thời gian làm việc của các cơ quan tại cửa khẩu đường thủy như Vĩnh Xương, Thường Phước.
“Đồng thời khảo sát, bổ sung tuyến ven biển Cửa Tiểu - Cái Mép - Thị Vải, Cái Mép - Thị Vải - Sihanoukville vào danh sách các tuyến vận tải đường thủy và quá cảnh của Hiệp định.
Việc này nhằm kịp thời tận dụng lợi thế cho cụm cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải là cảng trung chuyển đón hàng xuất khẩu của Campuchia từ Sihanoukville đi Mỹ và châu Âu. Mặt khác, tạo thuận lợi cho hàng từ Campuchia và ĐBSCL về thẳng cảng biển Cái Mép - Thị Vải, từ đó giảm ùn tắc, tạo điều kiện phát triển bền vững cho cảng Cát Lái.”, đại diện Cục Đường thủy VN khẳng định.
Về hạ tầng, theo Cục Đường thủy nội địa VN, để có thể khai thác vận tải hàng hóa quá cảnh tuyến Hiệp định qua Việt Nam từ khu vực bến cảng ML17 - cảng Phnôm Pênh với nhu cầu 900.000 Teus/năm, thì cả phía Việt Nam và Campuchia cần phải tiến hành nạo vét một số đoạn tuyến luồng chưa đảm bảo độ sâu, chiều dài khoảng 7,5km.
Các tin liên quan