DAG: Chuyển nợ thành cổ phần, tiếp tục "chiêu trò" tăng vốn

Công luận - 12/04/2023 6:00:00 SA


CTCP Nhựa Đông Á lợi nhuận èo uột, phải hoán đổi nợ thành cổ phần công ty, vẫn dự định tăng vốn thêm 200 tỷ đồng.
 
Như từng nêu trong tờ trình cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) vừa thông qua phương án phát hành tối đa 21,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ dùng để hoán đổi khoản nợ vay đối với ông Nguyễn Bá Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Ngọc Hinh.
 
Số cổ phần này dùng để hoán đổi cho khoản vay lãi suất 0% trị giá 212 tỷ đồng của 2 cá nhân này cho DAG. Trong đó, khoản cho vay của ông Nguyễn Bá Hùng là 112 tỷ đồng, đến hạn thanh toán ngày 3/11/2023, ông Phạm Ngọc Hinh là 100 tỷ đồng, đếnhạn thanh toán ngày 27/12/2024.
 
 
Mệnh giá phát hành của số cổ phiếu này là 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn tới 2,2 lần so với giá thị trường. Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 11/4/2023, cổ phiếu DAG có giá 4.450 đồng/cổ phiếu. Như vậy, có thể coi là 2 cá nhân này đã phải "chịu thiệt" khi hoán đổi khoản nợ sang cổ phần của Nhựa Đông Á.
 
Bên cạnh phương án hoán đổi nợ, Nhựa Đông Á cũng đang lên kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động thêm 200 tỷ đồng. Số tiền thu về được dự kiến đầu tư cho Công ty TNHH Nhựa Đông Á và bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thanh toán các khoản nợ khác.
 
Câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng 2 vị chủ nợ... quá tốt khi chấp nhận hoán đổi nợ thành cổ phần với giá trị mà họ phải chịu thiệt tới 2,2 lần so với thị giá hay là khả năng huy động nguồn tiền để trả nợ của Nhựa Đông Á đang thực sự gặp vấn đề?
 
Nhựa Đông Á kinh doanh 3 năm liền lợi nhuận ảm đạm, nợ ngắn hạn liên tục gia tăng
 
Để trả lời câu hỏi trên, cần phải nhìn vào tình hình kinh doanh trong 4 năm trở lại đây của Nhựa Đông Á. Cụ thể thì trong năm 2019, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu 1.635,4 tỷ đồng, lợi nhuận mang về đạt tới 53,2 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022 dù đã liên tục tăng trưởng, từ 1.756,9 tỷ đồng lên 2.244,1 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại chỉ ghi nhận ở mức cho có so với quy mô doanh thu. Lợi nhuận năm 2022 chỉ đạt 9,8 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 so với lợi nhuận năm 2019. Trong 2 năm sau đó, lợi nhuận tiếp tục giảm xuống chỉ còn ghi nhận ở mức 7,4 tỷ trong năm 2022.
 
Thậm chí trong năm 2023, khi mà Nhựa Đông Á đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 22 tỷ đồng, tăng tới 55% so với cùng kỳ thì mức mục tiêu này vẫn chưa bằng một nửa so với đạt được trong năm 2019 trước đó.
 
Mức tăng trưởng lợi nhuận nói trên vẫn có thể là một kế hoạch xa vời bởi trong năm 2023, áp lực tỷ giá vẫn có thể sẽ là vấn đề với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Sức ép từ các đối thủ như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong... cũng sẽ là trở ngại đối với kế hoạch kinh doanh của Nhựa Đông Á.
 
Dòng tiền kinh doanh âm nặng tới 157,3 tỷ đồng
 
Tính tới hết năm 2022, tổng tài sản của Nhựa Đông Á đạt 2.178,5 tỷ đồng, tăng khoảng 150 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, phần tăng thêm chủ yếu là nợ phải trả. 
 
Ghi nhận về nợ phải trả của Nhựa Đông Á tăng từ 1.349 tỷ đồng lên 1.491,6 tỷ đồng. Chủ yếu trong đó là phần gia tăng của chỉ tiêu về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tăng từ 749,5 tỷ đồng lên 963,7 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 28,6%. Nợ vay dài hạn cũng tăng từ 221,2 tỷ đồng lên 245,4 tỷ đồng.
 
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ đi ngang ở mức 687 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty chỉ ở mức rất thấp, đạt 23,1 tỷ đồng mà thôi.
 
Một điểm đáng chú ý khác đó chính là dòng tiền kinh doanh trong năm 2022 của Nhựa Đông Á ghi nhận âm tới 157,3 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi tăng giảm các khoản phải trả, tăng giảm hàng tồn kho cùng chi phí lãi vay tương đối cao. Với dòng tiền kinh doanh âm nặng tới 157,3 tỷ đồng, không quá lạ khi Nhựa Đông Á phải hoán đổi khoản nợ 212 tỷ thành cổ phần, đồng thời lên kế hoạch phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu để lấy tiền bổ sung cho các hoạt động kinh doanh.
 

Các tin liên quan