Ngân hàng ngoại tăng tốc mở rộng bán lẻ tại Việt Nam

Báo Hải quan - 28/05/2023 8:10:00 CH


 Thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá là miếng bánh béo bở đầy hấp dẫn đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ ngân hàng.
 
 
HSBC kỳ vọng có thể mở rộng mảng kinh doanh thẻ và thị phần tại Việt Nam sau khi ra mắt thẻ tín dụng HSBC TravelOne
 
Nhiều ngân hàng nước ngoài đang đẩy mạnh các chiến lược mới nhằm nhanh chóng mở rộng thị phần bán lẻ dựa trên thế mạnh về mạng lưới rộng lớn và chất lượng dịch vụ trên cơ sở hợp tác với những thương hiệu hàng đầu.
 
Mở rộng hợp tác, tăng ưu đãi
 
Ngân hàng UOB Việt Nam vừa công bố quan hệ đối tác chiến lược với Vietnam Airlines nhằm mang đến cho chủ thẻ tín dụng của Ngân hàng UOB Việt Nam và hội viên Bông Sen Vàng của Vietnam Airlines nhiều lợi ích đặc biệt và các ưu đãi đặc quyền khi du lịch. Qua đó, ngân hàng đến từ Singapore này nhắm đến việc nắm bắt nhu cầu du lịch trong nước và xuyên biên giới ngày càng tăng, đặc biệt là trong mùa Hè sắp tới.
 
Tại Việt Nam, UOB tập trung mạnh mẽ vào việc thiết lập quan hệ đối tác với các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực chính là du lịch, ăn uống và bán lẻ, bao gồm Lazada, Shopee, Starbucks, CGV, Be, GrabFood và những nhà hàng cao cấp… để mang đến cho khách hàng những ưu đãi tốt nhất.
 
Cùng với việc hoàn tất thương vụ mua lại mảng bán lẻ từ Citigroup tại 4 thị trường chính của ASEAN, UOB đang nỗ lực tăng tốc để mở rộng thị phần mảng ngân hàng bán lẻ tại 4 thị trường này, trong đó có Việt Nam. Theo đó, ngân hàng đang nỗ lực nắm bắt các cơ hội thanh toán xuyên biên giới và đón đầu các dòng tài sản với sự hiện diện rộng khắp của mình trong khu vực. UOB tự tin rằng, từ các khoản cho vay và tiền gửi có bảo đảm, đến các dịch vụ quản lý tài sản và thẻ, mạng lưới kinh doanh được củng cố và mở rộng của UOB sẽ mang đến cho khách hàng tầm nhìn và sự tiếp cận rộng khắp khu vực có một không hai, thông qua mạng lưới các chi nhánh trên toàn khu vực cũng như trên các kênh kỹ thuật số được cá nhân hóa theo lối sống và nhu cầu riêng của họ.
 
UOB đã thiết lập hơn 40 quan hệ hợp tác chiến lược với các thương hiệu nổi tiếng trong khu vực nhằm cung cấp các lợi ích và đặc quyền, thậm chí còn độc quyền và cá nhân hóa hơn cho cả khách hàng hiện tại và khách hàng mới. Những sự hợp tác này, bao gồm 8 thẻ tín dụng đồng thương hiệu với các thương hiệu tiêu dùng lớn trên khắp ASEAN, bên cạnh hơn 1.000 ưu đãi trong nước, tất cả đều được thiết kế đặc biệt theo sở thích riêng biệt của khách hàng và được xây dựng trên hệ thống các đối tác có cùng định hướng với ngân hàng trong đó trọng tâm là xây dựng sự hiện diện rộng khắp trong khu vực.
 
Tương tự UOB, để mở rộng mảng cho vay tín chấp, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam mới đây đã ra mắt thẻ tín dụng HSBC TravelOne được thiết kế riêng để phục vụ những người đam mê du lịch. Theo đó, HSBC liên kết với mạng lưới đối tác rộng khắp gồm nhiều hãng hàng không và khách sạn quốc tế. Việt Nam là một trong những nhóm thị trường đầu tiên HSBC giới thiệu sản phẩm này. Thẻ tín dụng TravelOne là một bước đi quan trọng nhằm củng cố chiến lược phát triển dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân của ngân hàng thông qua đáp ứng nhu cầu vay của tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh ở khu vực ASEAN, được dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng. Ngân hàng hướng tới mục tiêu đạt được mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong mảng cho vay không bảo đảm ở Đông Nam Á.
 
Ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính Cá nhân, HSBC Việt Nam kỳ vọng sản phẩm thẻ mới sẽ thúc đẩy mảng kinh doanh thẻ của ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa và giúp HSBC mở rộng thêm thị phần ở Việt Nam.
 
Tiềm năng rộng mở
 
Nói về chiến lược mở rộng mảng cho vay tín chấp tại thị trường Việt Nam, HSBC cho biết, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt Đức và Anh. Số liệu của bộ phận nghiên cứu HSBC toàn cầu cho thấy, Việt Nam là quốc gia thuộc tốp 5 nước châu Á được dự báo có mức tăng trưởng thị trường tiêu dùng nhanh nhất trong thập kỷ này (2021-2030), sở hữu nhóm dân số có thu nhập trên 20 USD/ngày theo điều kiện ngang giá sức mua (PPP). Tầng lớp trung lưu cao (cá nhân có thu nhập trong khoảng 50-110 USD/ngày) của Việt Nam được dự báo sẽ tăng bình quân 17% mỗi năm từ nay đến năm 2030.
 
Còn theo chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) của Booking.com, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới xét về tâm lý háo hức muốn được đi du lịch trở lại sau đại dịch, với 85% du khách Việt Nam dự định đi du lịch trong vòng 12 tháng tới. Đáng lưu ý, 62% người tham gia khảo sát có kế hoạch đi 1 hoặc 2 chuyến trong năm nay, trong khi 45% thích ghé thăm những địa điểm nổi tiếng cách Việt Nam 3-8 giờ bay. Thêm nữa, 45% du khách Việt Nam dự định đi du lịch vì đã lên kế hoạch từ trước đại dịch nhưng phải tạm hoãn do Covid-19.
 
Trên cơ sở đó, sản phẩm thẻ mới ra mắt của HSBC mang đến nhiều lợi ích về du lịch và phong cách sống nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch bị dồn nén của khách hàng vốn có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng sau Covid.
 
Quan sát của ông Pramoth Rajendran cũng cho thấy sự gia tăng đột biến trong chi tiêu cho hàng không, đại lý du lịch và khách sạn trong quý 1/2023 so với năm trước. Tổng số lượng thẻ tín dụng đang hoạt động do HSBC phát hành đang tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ đạt hai con số so với cùng kỳ năm trước.
 
Ngân hàng UOB cũng cho biết hiện đang phục vụ khoảng 200.000 khách hàng tại Việt Nam và đang nỗ lực để mở rộng tệp khách hàng tại thị trường này. Bà Jacquelyn Tan, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân, UOB cho biết, việc mua lại mảng bán lẻ từ Citigroup giúp UOB nắm bắt tốt thời điểm mà hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi sau khi các nền kinh tế trên toàn thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid. Khi người tiêu dùng tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất trong lĩnh vực ăn uống, du lịch và bán lẻ cả trong lẫn ngoài nước, mạng lưới khu vực rộng lớn cho phép UOB phục vụ các nhu cầu và sở thích về phong cách sống riêng biệt của khách hàng trên khắp ASEAN.
 
Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán VCBS, bộ phận phân tích cũng chỉ ra rằng tiềm năng từ khách hàng bán lẻ tại Việt Nam hiện rất lớn khi tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam hiện ở mức 66%, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Các ngân hàng trong nước hiện cũng đang chạy đua phát triển số hóa tăng trải nghiệm khách hàng nhằm tăng số lượng khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ. Một số ngân hàng đã tiếp cận được mạng lưới khách hàng lớn nhờ áp dụng hiệu quả mô hình hệ sinh thái theo chuỗi, qua đó cung cấp nền tảng dịch vụ cho các đối tác, từ doanh nghiệp, đại lý đến khách hàng bán lẻ. Việc có lượng lớn khách hàng cá nhân thường xuyên cũng giúp các ngân hàng có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và duy trì lợi thế chi phí vốn thấp.
 

Các tin liên quan