PHN: Hãng pin Việt tồn tại hơn 60 năm liên tục báo lãi lớn

Vietnam+ - 02/10/2023 6:35:00 SA


Nhờ nhanh chóng đổi mới theo thời cuộc, tiếp cận công nghệ, đổi mới quản lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chủ thương hiệu pin Con Thỏ liên tục báo lợi nhuận tăng 2 chữ số.
 
Pin Con Thỏ là thương hiệu quen thuộc, in đậm trong tâm trí những Người Việt Nam thế hệ 8x trở về trước. Trải qua những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh thay đổi, một số sản phẩm của doanh nghiệp “vang bóng một thời” sống lay lắt, hoặc bị xóa sổ, nhưng pin thương hiệu Con Thỏ của Công ty cổ phần Pin Hà Nội (mã chứng khoán: PHN) vẫn tồn tại, âm thầm phát triển.
 
 
Sản phẩm pin nhãn hiệu Con Thỏ. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
 
Tiền thân Công ty cổ phần Pin Hà Nội là Nhà máy Pin Văn Điển, được thành lập từ đầu năm 1960. Đây là nhà máy đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc lúc đó sản xuất và cung cấp pin phục vụ quốc phòng, an ninh và các mục đích khác của nền kinh tế quốc dân. Với thiết kế công suất ban đầu 5 triệu chiếc pin /năm, sản xuất chủ yếu là pin R20 và R40.
 
Theo chủ trương đổi mới của Đảng và nhà nước, cuối năm 2003, công ty cổ phần hóa doanh nghiệp. Tháng 12/2003, doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất. Từ ngày 2/1/2004, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần . 
 
Ngày nay, công nghệ hiện đại xuất hiện đồng nghĩa với nhu cầu của xã hội thay đổi, chuyển qua các sản phẩm thay thế như pin sạc, pin ngoại khiến mức độ ưa chuộng cho pin Con Thỏ không còn mạnh mẽ như trước. Tuy nhiên, pin Con Thỏ vẫn âm thầm phát triển trong hơn 60 năm qua.
 
Thực tế, thương hiệu pin Con Thỏ có giá trị vô hình lớn, do đã im đậm trong tâm trí người Việt. Thậm chí, doanh nghiệp có nhiều sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, thu hút được thêm nguồn lực nhằm cải tiến máy móc, phương thức sản xuất kinh doanh để bắt kịp thời đại.
 
GP Batteries International Limited - một doanh nghiệp đến từ Hong Kong (Trung Quốc) đã liên tiếp mua cổ phần của Công ty cổ phần Pin Hà Nội để sở hữu tới 49% cổ phần của hãng pin người Việt vào năm 2019.
 
GP Batteries International Limited cũng là nhà sản xuất pin tiêu dùng và pin sạc hàng đầu châu Á và là công ty thành viên của Gold Peak Industries – công ty đa quốc gia chuyên về sản xuất pin. Gold Peak Industries niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) từ năm 1984.
 
Hiện tại, Công ty cổ phần Pin Hà Nội đang sở hữu công nghệ sản xuất pin bằng giấy tẩm hồ không thủy ngân và không cadimi; 2 dây chuyền sản xuất pin R6 công suất 600 cái/phút tự động hóa; 1 dây chuyền sản xuất pin R03 công suất 380 cái/phút bán tự động.
 
Doanh nghiệp cung cấp 7 loại pin cho thị trường là pin đại R20, pin tiểu R6, pin đũa R03, pin trung R14, pin cối R40, pin tổ hợp BTO-45V và Pin tổ hợp PO2 – 27V.
 
Doanh thu thuần sản phẩm pin R6 hiện đang đóng vai trò chủ lực và có tăng trưởng nhẹ do sản phẩm R6 đang trong giai đoạn tiệm cận đến đỉnh cao của dòng đời.
 
Doanh thu thuần từ sản phẩm R03 đang có tốc độ tăng trưởng cao, với tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng gần 10%/năm.
 
Riêng doanh thu thuần từ sản phẩm R20 có xu thế suy giảm do sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và sẽ tiếp tục suy giảm với tốc độ nhanh hơn trong những năm tới tại thị trường nội địa.
 
Với các loại pin khác, do có tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu doanh thu thuần nên công ty không tập trung nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.
 
Từ khi chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần đến nay, Công ty cổ phần Pin Hà Nội giữ vững thị phần trong nước và xuất khẩu.
 
Sản phẩm pin Con Thỏ vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh về giá bán và chính sách chiết khấu nên vẫn giữ được thị phần.
 
Ngoài ra, Công ty cổ phần Pin Hà Nội vẫn duy trì được khách hàng xuất khẩu pin nhãn hiệu Kodak thông qua việc bán pin cho Công ty Global tại Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Dự án xuất khẩu Pin vào Ấn độ của Công ty cổ phần Pin Hà Nội được tổ chức đánh giá cấp chứng nhận BIS của Chính phủ Ấn Độ vào tháng 8/2022.
 
 
Pin Con Thỏ giao bán trên Shopee. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
 
Thực tế cho thấy, trong môi trường kinh doanh đầy biến động, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu “vang bóng một thời” như Pin Hà Nội đã nhanh chóng đổi mới theo thời cuộc, tiếp cận công nghệ, đổi mới quản lý, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, để không chỉ giữ vững được thương hiệu truyền thống mà ngày càng có thể phát triển mạnh mẽ.
 
Công ty cổ phần Pin Hà Nội có doanh thu đều đặn khoảng 300-370 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021.
 
Năm 2022 là một năm kinh doanh nhiều bứt phá của doanh nghiệp khi doanh thu đạt mức 461 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và cũng là mức cao kỷ lục kể từ khi đi vào hoạt động. 
 
Năm 2022, lãi ròng của Công ty cổ phần Pin Hà Nội đạt gần 37 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021.
 
Sang năm 2023, doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất kinh doanh với chỉ tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ là 365 triệu viên pin các loại; doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 444 tỷ đồng và 37,6 tỷ đồng.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Pin Hà Nội đạt 19,9 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, kể từ khi niêm yết 2019, doanh nghiệp luôn chia “quả ngọt” cho cổ đông bằng cổ tức “đậm” hàng chục phần trăm mỗi năm.
 
Công ty cổ phần Pin Hà Nội (Habaco) chính thức đưa 7,25 triệu cổ phiếu PHN giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 13/3/2019, với giá tham chiếu là 14.200 đồng/cổ phiếu.
 
Đến cuối tháng 9/2023, PHN đang giao dịch quanh mốc 36.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 154% kể từ ngày chào sàn. Hiện vốn hóa thị trường của PHN là hơn 261 tỷ đồng.
 
Dù kết quả kinh doanh rất tích cực, cổ tức được trả mức cao, đều đặn qua các năm, nhưng cổ phiếu PHN thường xuyên không có giao dịch./.
 

Các tin liên quan