Lợi nhuận quý III ngành cao su phân hoá rõ rệt

Doanh nghiệp Việt Nam - 29/11/2023 10:15:00 SA


Trong khi giá cao su thế giới tăng mạnh thì giá mủ trong nước giao dịch khá trầm lắng vì sức tiêu thụ cả nội địa lẫn xuất khẩu đều kém. Bù lại, một vài đơn vị có nguồn thu lớn từ bất động sản và chia cổ tức. Đây là nguyên nhân khiến kết quả nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su có sự phân hoá rõ rệt trong quý III.
 
 
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc thấp nhất trong các đối thủ
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 1,87 tỷ USD, tăng 0.4% về lượng nhưng lại giảm 18,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, cho thấy giá cao su xuất khẩu chịu áp lực rất lớn.
 
Sản lượng xuất khẩu cao su sang các thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Indonesia, Sri Lanka, Nga… phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số thị trường chủ chốt vẫn tăng trưởng như Trung Quốc, Hà Lan, Argentina, Pháp…
 
9 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính, với tỷ trọng chiếm trên 99% về lượng và về giá trong tổng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước. Con số này cao hơn nhiều so với 74% của năm 2022 - cũng là mốc cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây.
 
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cao su của Việt Nam gần như chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng do giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 và 3 quý của năm 2023 đều thấp nhất trong số các đối thủ xuất khẩu cao su. Với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao su dồi dào, các đối tác Trung Quốc luôn thích mua cao su sơ chế từ Việt Nam.
 
Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã phần nào phản ánh tình cảnh “được mùa mất giá” của ngành. Trong đó, một vài đơn vị giảm doanh thu nhưng tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí chuyển lãi nhờ hoạt động tài chính hoặc hoạt động khác. Ngược lại, một vài đơn vị chứng kiến cảnh lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. 
 
Lợi nhuận chủ yếu không đến từ hoạt động kinh doanh chính
 
 
 
Nếu trừ thời điểm quý III/2021 (thời điểm giá thành cao su thế giới tăng mạnh cả về lượng và giá do tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu và nhu cầu tăng đột biến), lợi nhuận các doanh nghiệp này tương đối khả quan so với cùng kỳ các năm trước đó và đa phần nhờ những khoản thu từ hoạt động khác. 
 
Cụ thể, trong số các đơn vị tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2022, Cao su Bà Rịa là đơn vị có mức tăng cao nhất với gần 4 lần, tương đương hơn 35 tỷ đồng. Dù giá bán cao su giảm 17% về chỉ còn khoảng 33.468 đồng/tấn, nhưng nhờ sản lượng tiêu thụ cao su tăng 27% đã giúp doanh thu quý III tăng hơn 9%, lên hơn 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá bán giảm vẫn khiến biên lãi gộp bị thu hẹp 2,6 điểm phần trăm.
 
Bù lại, BRR có khoản doanh thu tài chính gần 41 tỷ đồng, gấp 101 lần cùng kỳ, đến phần lớn từ 40 tỷ đồng tiền cổ tức nhận được từ CTCP Cao su Bà Rịa - Kamphong Thom (công ty liên kết do BRR trực tiếp sở hữu 49,15% vốn, chuyên đầu tư dự án tại Campuchia về trồng, khai thác và chế biến sản phẩm từ cao su).
 
Tương tự, Cao su Phước Hoà cũng ghi nhận khoản lợi nhuận lớn đến từ mảng bất động sản công nghiệp. Cụ thể, ngược lại với đà giảm của doanh thu bán cao su, mảng cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp của PHR lại tăng 42%. Mặc dù chỉ chiếm 42% trong cơ cấu doanh thu, nhưng mảng này chiếm đến 95% cơ cấu lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp của mảng ở mức cao với 74%, nhờ chi phí chuyển đổi từ đất trồng cao su sang đất nông nghiệp thấp.
 
Ngoài ra, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính trong quý tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Ngoài ra, lãi từ công ty liên kết tăng nhờ ghi nhận 25 tỷ đồng tiền lãi từ CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên. 
 
Tại Cao su Tân Biên, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III đồng loạt tăng 42% và 101% so với cùng kỳ, lên 314 và 32 tỷ đồng. Theo giải trình, nhờ việc tăng sản lượng cao su tiêu thụ và giảm chi phí tài chính đã giúp lợi nhuận tăng. Bên cạnh đó, số lỗ hoạt động khác cũng giảm trên 6 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ lợi nhuận. 
 
Với DRI, doanh thu gần 94 tỷ đồng, giảm 15%. Trong đó, doanh thu mủ cao su chiếm hơn 92 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ chuối và điều. Biên lãi gộp cũng giảm từ 33% xuống còn 26%.
 
Hoạt động tài chính trở thành điểm sáng với doanh thu 5 tỷ đồng, tăng 40%, nhờ lãi chênh lệch tỷ giá; đồng thời diễn biến tỷ giá thuận lợi cũng giúp nợ vay dài hạn ngân hàng bằng USD của công ty con tại Lào giảm đáng kể, qua đó chi phí tài chính giảm 84%, chỉ còn hơn 4 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp lãi gần 11 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng.
 
Hàng loạt cái tên sụt giảm 
 
 
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là đơn vị sụt giảm lợi nhuận lớn nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành về giá trị tuyệt đối. Theo đó, GVR có kết quả sản xuất và kinh doanh mủ cao su tăng 25%; kinh doanh bất động sản, hạ tầng tăng 12%; đưa doanh thu trong kỳ tăng 6%, lên 6.195 tỷ đồng. Nhưng ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh chính là sản phẩm từ cao su, chế biến gỗ và hoạt động khác giảm lần lượt 70%, 38% và 14%.
 
GVR phải đối mặt với tình trạng giá bán mủ cao su giảm, trong khi giá nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh, dẫn đến biên lãi gộp giảm 7,1 điểm phần trăm, về mức 19,9%. Riêng biên lãi gộp mủ cao su giảm 9,8 điểm phần trăm, về 17%.
 
Ngoài ra, GVR còn lỗ 276 tỷ đồng từ CTCP Gỗ MDF VRG - Dongwha và không ghi nhận lợi nhuận từ CTCP Thống Nhất. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm một nửa, xuống còn 494 tỷ đồng. 
 
Hồi ĐHĐCĐ thường niên diễn ra giữa tháng 6, lãnh đạo GVR cho biết năm nay doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, giá bán mủ cao su (nguồn thu chính của công ty) liên tục suy giảm và khó tiêu thụ. 
 
Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong GVR. Tuy nhiên dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn.
 
Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương,…liên tục tăng. Chính vì vậy, GVR dự báo nhu cầu, giá bán chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.
 
Cao su Sông Bé là đơn vị duy nhất chuyển lãi thành lỗ dù doanh thu vẫn tăng 7,5% lên hơn 8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giảm thu từ thanh lý tài sản và hoạt động khác, trong khi doanh thu hoạt động không đủ chi trả chi phí nên SBR lỗ ròng 4,3 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 1,2 tỷ đồng. 
 
Cao su Đồng Phú cũng chịu áp lực giá bán cao su giảm khiến doanh thu trong kỳ giảm 2 con số.
 
Với các doanh nghiệp ngành cao su với sản phẩm săm lốp, kết quả kinh doanh có phần trái chiều. Cụ thể, doanh thu của Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) giảm 17%, đạt 1.124 tỷ đồng, chủ yếu do tình hình sản lượng và giá bán của các dòng lốp chủ đạo không khả quan. Đóng góp chính vẫn từ doanh thu lốp radial (67%) và lốp bias (16%). Kết thúc quý, DRC lãi 76 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2%.
 
Trái ngược, Cao su Sao Vàng (mã: SRC) lại tăng trưởng lợi nhuận nhờ đà giảm của chi phí bán hàng giúp lãi sau thuế hơn 6 tỷ đồng, tăng gần 58%.
 
 
Triển vọng nào cho giá cao su quý IV?
 
Với hơn 99% là xuất sang Trung Quốc, việc xuất khẩu cao su của Việt Nam gần như là "bỏ trứng vào một giỏ", đồng nghĩa phải chờ đợi sự phục hồi tiêu thụ của đất nước tỷ dân.
 
Đến thời điểm này vẫn nhiều nhận định tỏ ra lạc quan rằng, giá cao su sẽ tăng trưởng trở lại trong quý cuối năm và đầu năm 2024. Hiện giá dầu đang tăng lên, đã khuyến khích người dùng chuyển từ cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ sang sử dụng cao su tự nhiên. Trong bối cảnh xuất khẩu cao su của Việt Nam đang rơi xuống mức âm, thì tín hiệu lạc quan ở thị trường chủ lực là Trung Quốc vẫn nhen nhóm hy vọng của các nhà xuất khẩu cao su Việt Nam.
 
Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700 - 1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.
 
Ở diễn biến khác, khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 1 hàng năm là mùa sản xuất cao su tự nhiên cao điểm trên toàn cầu. Nguồn cung dồi dào trong mùa này từng gây áp lực lên giá hàng năm. Điều đáng ngạc nhiên là, trái ngược hoàn toàn với quy luật thông thường, trong năm nay nguồn cung thế giới không có dấu hiệu tăng theo mùa, thông tin từ Tạp chí Cao su Việt Nam.
 
Trước những lợi thế và nhu cầu rõ ràng, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Với tình hình thực tế 3 quý đầu năm, kỳ vọng xuất khẩu cao su 3 tháng cuối sẽ không còn tăng trưởng âm. Tuy vậy, dự báo kim ngạch xuất khẩu cao su khó có thể đạt được mục tiêu 3,5 tỷ USD như kế hoạch đặt ra hồi đầu năm mà sẽ chỉ dừng ở mức 3 tỷ USD.
 

Các tin liên quan