PHP: Hải Phòng kết thúc sứ mệnh lịch sử cảng Hoàng Diệu
Diễn đàn doanh nghiệp - 30/11/2023 7:30:00 SA
Các bến cảng tại cảng Hoàng Diệu sẽ bị thu hồi để xây 2 cây cầu mới là Hoàng Văn Thụ và cầu Nguyễn Trãi – kết nối khu Trung tâm TP Hải Phòng cũ với Trung tâm hành chính mới Bắc sông Cấm.
Cảng Hoàng Diệu – bến cảng chính gắn với hình ảnh Hải Phòng – thành phố Cảng, nằm bên bờ sông Cấm, được người Pháp xây dựng từ năm 1874, là một trong 3 bến cảng của Công ty CP Cảng Hải Phòng. Với chiều dài 1,7 km, gồm 11 cầu tàu và gần 200 nghìn m2 kho bãi cùng hệ thống trang thiết bị xếp dỡ đồng bộ, cảng Hoàng Diệu ít có đối thủ cho đến tận cuối thế kỷ 20. Cảng Hoàng Diệu cũng là cảng duy nhất hiện nay trên cả nước có đường sắt kết nối trực tiếp, đồng bộ với đường sắt quốc gia (Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai).
Cảng Hoàng Diệu – bến cảng chính gắn với hình ảnh Hải Phòng – thành phố Cảng, nằm bên bờ sông Cấm, được người Pháp xây dựng từ năm 1874
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, đây là bến cảng có giá thành vận tải hàng hóa thấp nhất trong các cảng hiện nay tại Hải Phòng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của khu vực khi 52% lượng hàng tổng hợp (ngoài container) và 73% hàng nhập khẩu của khu vực thông qua bến cảng này.
Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hệ thống các cảng biển, vài năm gần đây cảng Hoàng Diệu chỉ đóng vai trò như 1 cảng thủy nội địa khi chỉ tiếp nhận các tàu loại nhỏ vào làm hàng hàng rời như: lưu huỳnh, apatit, quặng, thức ăn chăn nuôi, phân bón… Đây cũng chính là các loại hàng có giá trị xếp dỡ thấp nhưng lại tiêu tốn nhiều nhân công (khoảng 2000 công nhân).
Theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, về định hướng phát triển không gian đô thị, đất phần cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại. Về quy hoạch giao thông đường bộ, sẽ xây dựng cầu Nguyễn Trãi, cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm.
Ngày 6/1/2027, cầu Hoàng Văn Thụ đã được khởi công, hướng tuyến cầu cắt qua cầu cảng số 10, 11 và ảnh hưởng đến hoạt động của bến cảng số 9. Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đã phải tạm ngừng khai thác 3 cầu cảng này để phục vụ thi công cầu Hoàng Văn Thụ.
Cảng Hoàng Diệu còn nổi tiếng với công trình tượng đài Công nhân Cảng. Những ngày này, trước khi bến cảng gần 150 năm tuổi sắp bị di dời, Cảng Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại đây, lưu lại kỉ niệm với công trình gắn với chặng đường hình thành, phát triển của Cảng Hải Phòng.
Cảng Hoàng Diệu còn nổi tiếng với công trình tượng đài Công nhân Cảng. Những ngày này, trước khi bến cảng gần 150 năm tuổi sắp bị di dời, cảng Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại đây, lưu lại kỉ niệm với công trình gắn với chặng đường hình thành, phát triển của cảng Hải Phòng.
Hiện, TP Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ, khởi công cầu Nguyễn Trãi, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư đang được gấp rút hoàn thành. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi cầu Nguyễn Trãi được khởi công bắc qua Sông Cấm với tĩnh không 25m, các cầu cảng 1, 2, 3 trực tiếp bị ảnh hưởng do hạn chế về tĩnh không. Và sau đó, toàn bộ các cầu cảng còn lại của bến cảng Hoàng Diệu sẽ không thể tiếp tục khai thác theo năng lực thiết kế. Như vậy là sau hơn 100 năm hoạt động, cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Trước đó, ngày 29/7/2016 Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các bến sông Cấm không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu. Lộ trình di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện.
Tháng 3/2017, Bộ Giao thông Vận tải và Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất chủ trương di dời bến cảng Hoàng Diệu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất với đề nghị của UBND TP Hải Phòng về chủ trương đầu tư các bến cảng số 3, 4 khu bến cảng Lạch Huyện của Công ty CP Cảng Hải Phòng để phục vụ việc di dời cảng Hoàng Diệu.
Dự án đầu tư xây dựng hai bến số 3 và số 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Hiện tại, nhà thầu đang phấn đấu hoàn thành các bến container trước tháng 5/2024 (kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng), để sớm đưa dự án vào khai thác hoạt động.
Khu đất vàng rộng 50ha ở Cảng Hoàng Diệu sẽ được đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và cây xanh. Dự kiến kinh phí di dời cảng Hoàng Diệu là 1.826 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một gần 500 tỷ đồng, còn lại giai đoạn 2.
Phạm vi di dời bến cảng Hoàng Diệu gồm 2 đơn vị trong hàng rào cảng là bến cảng Hoàng Diệu với 11 cầu cảng cùng hệ thống kho bãi, văn phòng…rộng khoảng 2.000m2 và Nhà ga lập đoàn tàu tuyến đường sắt cùng các cơ quan đơn vị liên quan khác.
Cảng Hoàng Diệu là một trong ba bến cảng của Cảng Hải Phòng, là bến cảng hàng đầu khu vực phía Bắc về khai thác các mặt hàng tổng hợp, hàng dự án công trình quốc gia với 9 cầu cảng, tổng chiều dài 1.385m, có khả năng tiếp nhận các tàu đến 50.000 DWT, là bến cảng duy nhất có hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố và đất nước. Ảnh: Dũng Lê
Tại buổi làm việc với cảng Hải Phòng về các giải pháp di dời cảng Hoàng Diệu trước đó, ông Lê Anh Sơn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam yêu cầu Cảng Hải Phòng phải chuẩn bị mọi phương án thật kỹ lưỡng, bài bản cho việc di dời Cảng Hoàng Diệu đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội cho người lao động.
Để làm được điều đó, Cảng Hải Phòng cần đánh giá lại toàn bộ phương án tiếp nhận hàng hóa giữa các đơn vị trực thuộc và trong hệ thống của VIMC, từ đó đưa ra phương án quy hoạch sắp xếp, rà soát, đánh giá lại lực lượng lao động, lên kế hoạch đào tạo, phân bổ lao động phù hợp sau khi di dời Cảng Hoàng Diệu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng lưu ý đến vấn đề đầu tư phát triển mở rộng và đầu tư chiều sâu, tái cấu trúc lại cảng theo hướng quản trị hiện đại, nhanh gọn, hiệu quả hơn. Nâng cao năng suất chất lượng lao động thông qua cải cách bộ máy, cơ cấu lại phòng ban, tiến tới số hóa các tác nghiệp tại cảng để nâng cao năng lực cạnh tranh đảm bảo nền tảng phát triển bền vững cho cảng Hải Phòng trong giai đoạn mới.
Báo DĐDN
Các tin liên quan