VN-Index đứt mạch 6 phiên tăng, khối ngoại xả ròng tiếp hơn 1.700 tỷ

VnEconomy - 2024/05/09 15:49:54


Giao dịch thỏa thuận bán ròng hơn 1.105 tỷ đồng với VHM cuối ngày (trong phiên xả ròng 152 tỷ) đã đẩy quy mô rút vốn ròng của khối ngoại hôm nay lên ngưỡng kỷ lục 27 phiên với trên 1.706 tỷ. Dù vậy ngay cả khi không tính giao dịch tại cổ phiếu này thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng gần 450 tỷ đồng với các cổ phiếu khác. Mất trụ, VN-Index đóng cửa giảm 0,15%, cắt mạch 6 phiên tăng liên tiếp trước đó...
 
Diễn biến hôm nay gần giống với phine hôm nay, chỉ khác ở chỗ các trụ không kéo điểm xanh nữa. VN30-Index chốt phiên giảm 0,26%, với các trụ lớn nhất đỏ là VCB giảm 0,54%, BID giảm 0,6%, HPG giảm 0,81%, GAS giảm 1,68%, FPT giảm 0,53%. 4/10 mã lớn nhất tăng là VHM tăng 0,12%, CTG tăng 0,92%, TCB tăng 0,52% và VPB tăng 1,08%.
 
Mặc dù vậy trên thực tế mặt bằng giá nhóm blue-chips chiều nay là tốt hơn buổi sáng. Độ rộng rổ VN30 cuối phiên ghi nhận 13 mã tăng/16 mã giảm (chốt phiên sáng là 4 mã tăng/22 mã giảm). VN30-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,26% (cuối phiên sáng giảm 0,64%). Điều khiến phiên hôm nay có cảm giác yếu đi là chỉ số không có màu xanh.
 
Nếu nhìn từ độ rộng thì giao dịch vẫn ở trạng thái giằng co tương tự hôm qua. VN-Index kết phiên với 201 mã tăng/241 mã giảm, tốt hơn đáng kể so với phiên sáng (149 mã tăng/255 mã giảm). Tuy nhiên nhiều số cổ phiếu giảm giá trên nền thanh khoản cao khiến áp lực chốt lời lộ rõ hơn. Toàn sàn HoSE có 50 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 27 mã giảm giá. Giao dịch lớn xuất hiện tại MWG (-0,34%), HPG (-0,81%), SSI (-1,26%), MSN (-1,24%), DIG (-1,75%), PDR (-1,1%), VIX (-1,43%)… thanh khoản đều trên 300 tỷ đồng.
 
Thống kê trong 241 cổ phiếu giảm giá ở HoSE, có 97 mã giảm quá 1% và tập trung gần 32% tổng giao dịch cả sàn. Điều này xác nhận trạng thái giảm giá sâu là có biểu hiện sức ép lớn. Đối với các mã thanh khoản rất cao, để ép được giá lùi xuống vài bước giá hoặc trên 1% không hề đơn giản.
 
 
 
Ở phía ngược lại, dòng tiền đẩy giá hạn chế nên chỉ tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. VPB, TPB là hai mã duy nhất đáng kể trong nhóm tăng mạnh với thanh khoản cao là thuộc rổ VN30. Còn lại các mã gây ấn tượng là DGC tăng 1,05% thanh khoản 881,4 tỷ đồng; VHC tăng 2,08% với 356,6 tỷ; NVL tăng 1,1% với 343,8 tỷ; PVT tăng 3,02% với 227,9 tỷ; FRT tăng 2,71% với 139,4 tỷ; HVN tăng 5,58% với 135 tỷ; ASM tăng 2,62% với 102,5 tỷ…
 
Việc các blue-chips bắt đầu suy yếu và chỉ đủ giữ nhịp điểm số dao động hẹp thường khuyến khích dòng tiền tìm kiếm cơ hội an toàn hơn ở nhóm vừa và nhỏ hoặc các mã thanh khoản kém. Nhóm tăng xuất sắc nhất phiên này giao dịch rất hạn chế như CMG, VNS, PSH, VOS, AGM, PVP, FMC, DCL… chỉ từ vài tỷ tới vài chục tỷ đồng, nhưng giá đều tăng trên 3% tới kịch trần.
 
Dòng tiền suy yếu và dịch chuyển khiến thanh khoản phiên chiều nay giảm gần 11% trên 2 sàn so với buổi sáng. Sàn HoSE giảm hơn 9%. Tính chung cả phiên giao dịch khớp lệnh HoSE và HNX giảm 16% so với hôm qua đạt 18.050 tỷ đồng.
 
Nét tích cực là áp lực bán hạ giá vẫn chưa trải rộng khắp các cổ phiếu mà mới tập trung ở một nhóm hạn chế. Nếu lượng bán lớn, thanh khoản sẽ phải tăng cao hơn nhiều và biên độ giảm giá rộng hơn. Như đã chỉ ra ở trên, phiên chiều nay thực ra là mặt bằng giá có cải thiện hơn buổi sáng. Dòng tiền bắt đáy vẫn có, hơn 39% số cổ phiếu phát sinh giao dịch trong phiên tại HoSE phục hồi từ 1% trở lên so với giá thấp nhất. Hoạt động chốt lời sau 6 phiên tăng liên tục thì lúc nào cũng có, nhưng bên bán vẫn còn lựa chọn khoảng giá có lợi, hơn là bán bất chấp.
 
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục rút đi một lượng lớn tiền nữa, chủ yếu qua bán ròng thỏa thuận VHM. Ngoài mã này, khối ngoại xả ròng khoảng 450 tỷ đồng nữa ở các cổ phiếu còn lại. Đáng kể có DGC -137,9 tỷ, VHC -101 tỷ, TCB -67,6 tỷ, HDB -64,1 tỷ, VCI -61,6 tỷ, DIG -39,2 tỷ, DBC -30,2 tỷ… Phía mua có HVN +215,1 tỷ, MWG +110,1 tỷ, HPG +87,1 tỷ, PVT +43,9 tỷ, TCH +33,1 tỷ.
 

Các tin liên quan