VietNam Finance - 29/08/2024 2:19:20 CH
Năm 2021, Hòa Bình lần đầu tiên vượt qua Coteccons để trở thành doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam, xét theo doanh thu. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, hai “gã khổng lồ” đã có hai số phận hoàn toàn trái ngược. Trong khi Coteccons vươn lên như rồng tại cửu thiên thì Hòa Bình lại chìm sâu dưới đáy vực vạn trượng. Cho đến năm 2024, ngành xây dựng Việt Nam đã không còn cuộc đua song mã nào nữa, Coteccons giờ đây ngạo nghễ như cách một nhà vua trở lại ngai vàng.
Coteccons - Người lên đỉnh cao
Khoảng thời gian này của 3 năm trước là những tháng ngày đen tối cùng cực của Coteccons. Sau một năm 2020 gần như “trắng” hợp đồng mới, Coteccons chỉ có được doanh thu 9.078 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 24 tỷ đồng, chưa bằng bằng số lẻ của giai đoạn đỉnh cao.
Tuy nhiên, cũng từ năm 2021 tồi tệ đó, Coteccons đã đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc cả về bộ máy và chiến lược kinh doanh. Thành tựu đến ngay vào cuối năm, khi công ty có được doanh số ký mới lên đến 25.000 tỷ đồng. Đây là nguồn cơn để năm 2022, Coteccons có doanh thu 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với năm liền kề trước đó, đánh dấu bước nhảy vọt đầu tiên dưới “triều đại” Bolat Duisenov. Quan trọng hơn, sau đúng 1 năm “mất ngôi” vào tay Hòa Bình, Coteccons đã đòi lại vị trí doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam, xét theo doanh thu.
Năm 2023, Coteccons tiếp tục vươn mình với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2023 (kéo dài 6 tháng, từ 1/1/2023 – 30/6/2023), Coteccons ghi nhận doanh thu 6.744 tỷ đồng, tăng 30% và lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng, tăng 862%.
Tuy nhiên, phải đến năm tài chính 2024, giới quan sát mới thấy hết sự quật khởi của Coteccons. Lần đầu tiên kể từ sau năm 2019, Coteccons có doanh thu vượt quá 20.000 tỷ đồng (đạt 21.045 tỷ đồng), tăng 31% so với năm tài chính trước đó. Lợi nhuận gộp đạt 712 tỷ đồng, tăng 97%. Cộng thêm 280 tỷ đồng doanh thu tài chính và 80 tỷ đồng lợi nhuận khác, Coteccons báo cáo lợi nhuận sau thuế lên tới 299 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần năm tài chính trước đó và cao nhất 4 năm qua.
Với kết quả này, Coteccons không chỉ xây chắc ngôi vị doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam mà còn tỏ ra vượt trội so với phần còn lại của thị trường. Năm tài chính 2024, Coteccons là doanh nghiệp xây dựng duy nhất “dám” điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh, từ 17.793 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng (về doanh thu) và từ 274 tỷ đồng lên 288 tỷ đồng (về lợi nhuận). Kết quả là Coteccons đã phá vỡ kế hoạch kinh doanh mới với việc vượt 5% về doanh thu và vượt 4% về lợi nhuận.
Có thể nói, thành tựu của Coteccons hôm nay là kết quả xứng đáng của một chặng đường dài – một chặng đường gắn liền với những đổi thay hết sức quan trọng: tăng cường hoạt động của phòng đấu thầu, phát huy chiến thuật “bán hàng lặp lại” (repeat sales), thực hiện cơ chế phân quyền hiệu quả, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đặc biệt là đề cao tính minh bạch.
Tất nhiên, để đi đến tham vọng 3 tỷ USD doanh thu, 1 tỷ USD vốn hóa, Coteccons vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc “dọn dẹp” hơn 1.432 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và “làm sạch” bảng cân đối kế toán. Điều lạc quan là công ty có đủ nguồn lực để làm được điều đó, với tài sản hơn 22.829 tỷ đồng, trong đó quỹ tiền lên tới 3.825 tỷ đồng (tại thời điểm 30/6/2024). Mặt khác, với nền tảng đã tạo lập được sau gần 4 năm tái cấu trúc, Coteccons đã mạnh khỏe hơn rất nhiều so với thời điểm 2020. Người xưa nói “con sâu trăm chân, chết cũng không ngã”. Vào giai đoạn khó khăn nhất, Coteccons còn không ngã thì ở thời điểm bây giờ, hầu như không có lí do gì có thể ngăn cản được bước tiến của công ty trên hành trình phục hưng sự vĩ đại từng có.
Hòa Bình - Kẻ về vực sâu
Trái ngược với hành trình thăng hoa của Coteccons, Hòa Bình đã có chương buồn nhất trong lịch sử của mình kể từ sau khi “lên ngôi” vào năm 2021. Cuộc “nội chiến” trong HĐQT nổ ra vào năm 2022 thường được xem như nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của “đế chế” này, nhưng thực ra đó chỉ là “giọt nước tràn ly”.
Căn nguyên đến từ chính mô hình hoạt động của Hòa Bình. Tập đoàn này vì muốn đua doanh số nên mở rộng việc nhận thầu dự án, dù cho nguồn lực không đủ. Hệ quả là Hòa Bình phụ thuộc nặng vào nợ vay để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh. Trong điều kiện thị trường tốt, dòng tiền về đều đặn, Hòa Bình cơ bản vận hành suôn sẻ. Nhưng khi cơn khủng hoảng trái phiếu - bất động sản đánh sập các chủ đầu tư, Hòa Bình rơi vào cảnh “lưỡng bề thọ địch”: trước không lấy được tiền từ chủ dự án để thanh toán cho các nghĩa vụ với bên cung cấp và nhà thầu phụ, sau lại bị gánh nặng nợ vay bòn rút ngân khố. Điều tồi tệ hơn nữa là các khoản nợ khó đòi tăng vọt khiến Hòa Bình phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng và điều này trực tiếp “nhấn chìm” tập đoàn vào tình cảnh thua lỗ.
Kết năm 2022, Hòa Bình khiến toàn thị trường choáng váng khi công bố khoản lỗ sau thuế lên tới 2.570 tỷ đồng (sau kiểm toán). Số lỗ này còn lớn hơn tổng lợi nhuận 4 năm đỉnh cao 2016 – 2019 của tập đoàn và khiến Hòa Bình chịu lỗ lũy kế 2.100 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, Hòa Bình cố gắng xoay xở để thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, những nỗ lực đều không mang lại kết quả. Cả hai lần Hòa Bình công bố lãi tự lập (quý II/2023 và quý IV/2023) là cả hai lần bị kiểm toán “thổi bay”. Kết năm 2023, Hòa Bình lỗ thêm 1.115 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên tới 3.240 tỷ đồng.
Với khoản lỗ “khủng khiếp” này, vốn chủ sở hữu của Hòa Bình tại thời điểm kết thúc năm 2023 chỉ còn 93 tỷ đồng, đưa hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 163 lần, lớn chưa từng có. Đi kèm “kỷ lục bất đắc dĩ” này là án hủy niêm yết bắt buộc từ HoSE, do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ - một cái kết bi kịch dành cho doanh nghiệp xây dựng từng là số 1 Việt Nam.
Năm 2024, Hòa Bình tiếp tục nỗ lực thoát lỗ. Thành quả bước đầu đã đến với 2 quý liên tiếp có lãi tự lập: quý I lãi 56 tỷ đồng, quý II lãi 684 tỷ đồng, đưa lãi lũy kế 6 tháng lên 741 tỷ đồng, qua đó giảm lỗ lũy kế xuống 2.498 tỷ đồng. Tất nhiên, khoản lãi này có còn nguyên vẹn sau kiểm toán hay không thì vẫn còn chờ thời gian trả lời. Nhưng chí ít, cho tới hiện tại, tháng 8/2024, Hòa Bình đã nhìn thấy những tia sáng đầu tiên sau 5 quý tăm tối.
Tập đoàn này, trong quý II/2024, cũng đã kịp phát hành 73,08 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho 99 đơn vị, qua đó giảm bớt gánh nặng nợ, nâng vốn điều lệ lên 3.472 tỷ đồng. Trong tương lai, nếu tiếp tục tăng vốn thành công và nâng cao hiệu quả thu hồi nợ để “làm sạch” bảng cân đối kế toán, đảm bảo dòng tiền chắc chắn hơn, cục diện hiện tại sẽ được thay đổi và Hòa Bình lại có thể bắt đầu một thời kỳ phục hưng mới, tương tự như cách Coteccons đã làm.
Hòa Bình và Coteccons đã cùng nhau tạo nên cuộc đua song mã hấp dẫn nhất ngành xây dựng Việt Nam trong suốt một thập niên. Cả hai, trùng hợp thay, đều lâm vào khủng hoảng gần như cùng lúc, với cùng kịch bản “nội chiến cung đình”. Nhưng số phận đã khiến Coteccons đổi chủ, còn Hòa Bình vẫn duy trì “triều đại” của ông Lê Viết Hải. Số phận hai tập đoàn sau đó cũng khác nhau một trời một vực, khiến cuộc đua song mã chỉ còn là ký ức. Bây giờ, đơn vị có khả năng tái lập vị thế của Hòa Bình so với Coteccons trước kia có lẽ chỉ là hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương (với những Newtecons, Ricons). Nhưng trước khi đến ngày đó, Coteccons vẫn là “nhà vua” của ngành xây dựng Việt Nam. Và cái cách họ trở lại “ngai vàng” thực sự là một trong những hành trình cảm xúc nhất mà giới quan sát có thể được chứng kiến trong những năm qua.
Các tin liên quan
04/10/2024 QTP: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024
04/10/2024 CLG: Quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch và Thông báo trạng thái chứng khoán của cổ phiếu CLG
04/10/2024 BCA: Nghị quyết Hội đồng quản trị
04/10/2024 CCC: Nghị quyết Hội đồng quản trị
04/10/2024 PXS: Công bố thông tin quyết định thi hành án chủ động và thông báo về việc nộp tiền án phí
04/10/2024 CHS: Báo cáo sở hữu của cổ đông lớn - Nguyễn Thành Đức
04/10/2024 DAG: Quyết định về việc chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát
04/10/2024 SJF: Quyết định về việc chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát
04/10/2024 PMG: Quyết định về việc chuyển cổ phiếu từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo
04/10/2024 PSH: Quyết định về việc chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát