'Cá mập' ngoại ngó lơ bất động sản, mạnh tay gom cổ phiếu 'vua'

VietNam Finance - 01/11/2024 4:06:34 CH


Kết thúc quý III, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục trượt dốc khi giảm 15% đến 20% so với cuối quý II. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư.

Khối ngoại ưu thích cổ phiếu nào?

Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ tại cuối tháng 9 đạt 1,91 tỷ USD (tương đương khoảng 47.800 tỷ đồng, với tỷ giá tạm tính 1 USD = 25.000 VND). Như vậy, NAV của quỹ này đã tăng 3,3% trong tháng 9, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 15,8%, vượt 1,4% so với hiệu suất của VN-Index (tính theo USD).


Danh mục đầu tư của VEIL

Tại cuối quý III, cổ phiếu ngân hàng chiếm 36% danh mục đầu tư của VEIL, theo sau là bất động sản 16,9%, bán lẻ/tiêu dùng không thiết yếu 13,1%, nguyên vật liệu 9,4%, và công nghệ thông tin 7,9%. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ (chiếm 59,4% danh mục) gồm các mã MWG, FPT, VPB, VCB, ACB, HPG, TCB, VHM, CTG, và KDH.

So với cuối năm ngoái, ngành ngân hàng và công nghệ đã gia tăng tỷ trọng từ 0,5% đến 1,5%, trong khi nhóm bán lẻ/tiêu dùng tăng mạnh từ 4,8% lên 13,1%.

Ngược lại, VEIL đã giảm tỷ trọng đầu tư vào bất động sản và nguyên vật liệu từ 3,1% đến 3,7%. Tính cuối năm 2021, quỹ đã giảm dần tỷ trọng cổ phiếu bất động sản từ 27,9% xuống còn 16,9%, và nguyên vật liệu từ 12,2% xuống 9,4%. Ngược lại, nhóm cổ phiếu bán lẻ/tiêu dùng, công nghệ thông tin, ngân hàng và chứng khoán đã được gia tăng tỷ trọng.

Tương tự VEIL, Pyn Elite Fund cũng tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm nay. Theo báo cáo tháng 9, top 10 cổ phiếu chiếm gần 50% tỷ trọng của doanh nghiệp bao gồm STB (18,7%), MBB (9,7%), TPB (9,4%), ACV (8,4%), CTG (6,3%), FPT (6,0%), HDB (5,5%), và các mã khác như DBC, HVN, DNSE.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến hết tháng 9, nhóm cổ phiếu bất động sản hoàn toàn vắng mặt trong top 10 khoản đầu tư lớn của Pyn Elite Fund.


Tóm tắt danh mục đầu tư của Pyn Elite Fund

Triển vọng thị trường chứng khoán

VEIL và Pyn Elite Fund đều nhận định rằng với đà tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tiềm năng.

Kết thúc quý III, GDP của Việt Nam tăng 7,4%, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng là những động lực chính, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,9% tổng GDP. Ngành chế biến, chế tạo tăng 11,4%. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý III cũng tăng đáng kể, đạt 212,4 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ.

Với tăng trưởng mạnh trong quý III, VEIL kỳ vọng GDP năm tài chính 2024 sẽ đạt mục tiêu từ 6,8% đến 7,0%. Các yếu tố cơ bản được cải thiện đáng kể, giúp nâng triển vọng của VN-Index nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và định giá cổ phiếu hấp dẫn. VEIL dự phóng P/E và tăng trưởng EPS năm 2025 của nhóm 80 công ty hàng đầu của Dragon Capital lần lượt là 10,1 và 17%.

Trong một động thái đáng chú ý, Quốc hội đã bổ sung đáng kể ngân sách cho các khoản đầu tư công vào năm tới, với mức chi tiêu đầu tư công có thể tăng tới 30%. Mặc dù có nhiều khoản đầu tư mới lớn, nhưng nợ công được ước tính sẽ duy trì ở mức rất vừa phải, khoảng 36-37% GDP.

Pyn Elite Fund nhận định, các khoản đầu tư công lớn của Việt Nam sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các khoản đầu tư từ phía tư nhân và tăng trưởng nhu cầu trong thị trường nội địa, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo vẫn dễ bị tổn thương.

Về thị trường chứng khoán, Pyn Elite Fund cho rằng giai đoạn khó khăn và kém hứng khởi trong 18 tháng qua đang dần qua đi, khi lợi nhuận của các công ty niêm yết đang hồi phục. Theo dự báo, P/E của thị trường vào năm 2024 sẽ giảm xuống 11,9 và lợi nhuận năm 2025 sẽ đạt mức P/E 9,9.

Pyn Elite Fund đánh giá rất cao tiềm năng sinh lời của cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn tới. Theo "cá mập" Phần Lan, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam có xu hướng trải qua những chu kỳ tăng giá mạnh. Lợi nhuận của các ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng ngay cả khi thị trường chứng khoán chung yếu, trong khi các lĩnh vực kinh doanh theo chu kỳ khác thường gặp nhiều biến động về lợi nhuận.

Pyn Elite Fund kỳ vọng, nhờ lợi nhuận tăng, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng, và P/B của nhiều ngân hàng có thể giảm xuống dưới mức 1,0 trong 6-12 tháng tới, nếu giá cổ phiếu không điều chỉnh tăng.

Link gốc

Các tin liên quan