Kỳ vọng gì vào các dự án 'đắp chiếu' đang 'hồi sinh'?

Thời báo kinh doanh - 08/11/2024 11:13:22 SA


Chính sách gỡ vướng quyết liệt của Chính phủ và các địa phương đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trên thị trường bất động sản. Minh chứng là hàng loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm được kích hoạt trở lại, dự kiến bổ sung thêm nguồn cung, song những nỗi lo về tài chính chưa bao giờ chấm dứt.

Sau 6 năm bất động, dự án Gem Riverside của Tập đoàn Đất Xanh vừa được thông báo khởi động trở lại. Đây là dự án trọng điểm từng được mở bán năm 2018, với giá trung bình 33-40 triệu đồng/m2. Song, do vướng pháp lý nên chủ đầu tư phải dừng triển khai, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu mật độ dân số và mật độ xây dựng.

Loạt dự án “hồi sinh”

Đến tháng 10 vừa qua, dự án này được cấp phép xây dựng trở lại với tên gọi mới là Dat Xanh Home Riverside. Chủ đầu tư cho biết dự kiến bắt đầu xây dựng từ quý I/2025, sau khi hoàn thành đàm phán với khách hàng cũ và đủ điều kiện sẽ mở bán trong quý II năm 2025.

Các dự án được hồi sinh sẽ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường, nhưng thách thức vẫn còn rất nhiều (Ảnh minh họa: NM).

Một dự án khác cũng gây nhiều chú ý khi thông báo tái khởi động sau nhiều năm “đắp chiếu” là Khu công viên trung tâm công cộng và dân cư 13A, do công ty cổ phần bất động sản Đông Dương - thành viên Tập đoàn Hoàng Quân - bắt tay với công ty địa ốc Hồng Quang thực hiện.

Theo tìm hiểu, dự án khu dân cư 13A có quy mô 37 ha, triển khai tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, khởi công cách đây gần 24 năm, với quy mô gần 2.000 căn hộ chung cư, nhà phố, đất nền và biệt thự. Từ năm 2006 đến nay, dự án này chỉ mới bàn giao đất cho các công trình nhà ở thấp tầng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ dân sinh chưa hoàn thiện.

Đáng chú ý, một số khu vực đường xá có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm bị bỏ quên và rất ít dân cư về sinh sống. Hiện, dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, đang chuẩn bị thủ tục để khởi công xây dựng đầu năm 2025.

Mới đây, TP.HCM thông báo gỡ vướng xong cho 8 dự án, điển hình như khu phức hợp Sóng Việt của Quốc Lộc Phát, Khu nhà ở xã hội của VTHouse và Tân Giao, dự án của công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, khu chung cư và thương mại Metro Star của Metro Star...

Trong khi đó, tại Hà Nội cũng ghi nhận một số dự án "đắp chiếu" nhiều năm mở bán trở lại. Cụ thể, theo VARS, gần đây, một số sàn giao dịch bất động sản rục rịch giới thiệu trở lại một dự án tại quận Hoàng Mai sau hơn một năm dừng xây dựng. Dự án này từng mở bán cách đây 2 năm, với giá khoảng 40-45 triệu đồng/m2. Sau đó, dự án dừng khởi công cho đến vừa qua.

Một dự án khác là QMS Top Tower cũng được "hồi sinh" sau 4 năm bất động. Dự án từng được cất nóc vào tháng 4/2020 với giỏ hàng 490 căn, giá khoảng 35 triệu đồng/m2. Hồi tháng 8, chủ đầu tư thông báo mở bán trở lại, giá cũng tăng gấp đôi, lên 65-75 triệu đồng/m2.

Mừng và lo đan xen

Việc các dự án “đắp chiếu” nhiều năm được “hồi sinh”, theo các chuyên gia, là tín hiệu rất tích cực. Thị trường sẽ được bổ sung thêm một nguồn cung đáng kể, qua đó giảm áp lực cung cầu, kìm lại đà tăng của giá nhà.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, đánh giá các dự án bất động sản "đắp chiếu" đang dần hồi sinh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, nới lỏng điều kiện vay vốn và đặc biệt là việc ban hành bộ ba luật quan trọng về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, áp lực từ quy định mới về thu hồi đất đối với các dự án "án binh bất động" cũng thúc đẩy các chủ đầu tư nhanh chóng tìm kiếm giải pháp để tái khởi động. Song song đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án giữa các doanh nghiệp cũng đang diễn ra sôi động, góp phần giải quyết tình trạng "đắp chiếu" này.

Việc tái khởi động các dự án bất động sản từng "đắp chiếu" được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để vực dậy thị trường. Tuy nhiên, theo đại diện VARS, con đường hồi sinh của những dự án này không hề bằng phẳng.

Cụ thể, bên cạnh những rào cản pháp lý đã được nỗ lực tháo gỡ, áp lực tài chính đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các chủ đầu tư phải đối mặt. Nhiều dự án, dù đã được "hồi sinh", vẫn không thể thành công do thiếu vốn để tiếp tục triển khai.

Chưa kể, giá bán tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp, thậm chí xuống cấp trầm trọng, khiến không ít dự án nhanh chóng "im hơi lặng tiếng" chỉ sau thời gian ngắn rầm rộ thông báo tái khởi công.

Có thể thấy, không lâu sau khi 3 luật liên quan bất động sản (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản) có hiệu lực, thị trường đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Nếu được "hồi sinh" thành công, những dự án này không chỉ mang đến cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh cho chủ đầu tư, mà còn góp phần giải cơn khát về nhà ở. Tuy nhiên, những thách thức đan xen đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của phía chủ đầu tư và cả đơn vị quản lý.

Nhật Minh-Link gốc

Các tin liên quan