
Các chuyên gia Malaysia cho rằng xu hướng này phản ánh sự dịch chuyển từng bước khỏi đồng bạc xanh, đồng thời cho phép các ngân hàng đa dạng hóa danh mục dự trữ.
Trên tờ The Star, Phó Giáo sư về tài chính Liew Chee Yoong tại Đại học UCSI Malaysia cho rằng yếu tố thúc đẩy nhu cầu mua vàng trước hết là bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng bất ổn. Căng thẳng giữa các cường quốc, đặc biệt giữa Mỹ - Trung Quốc và giữa phương Tây - Nga đã thúc đẩy nhiều quốc gia tìm kiếm sự tự chủ tài chính lớn hơn.
Phó Giáo sư Liew Chee Yoong giải thích, không giống như trái phiếu kho bạc Mỹ hay các tài sản định giá bằng USD khác, vàng là tài sản trung lập, không chịu sự kiểm soát về mặt chính trị hoặc pháp lý của bất kỳ quốc gia nào. Điều này khiến vàng trở thành kho lưu trữ giá trị đặc biệt hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương muốn bảo vệ khỏi hậu quả tiềm tàng của các lệnh trừng phạt, tranh chấp thương mại hoặc chiến tranh tiền tệ.
Phó Giáo sư Liew Chee Yoong cũng cho biết, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đang giảm dần sự phụ thuộc vào đồng USD một cách có hệ thống, đồng thời tăng cường nắm giữ các tài sản như vàng, vốn mang lại sự ổn định lâu dài và có thể thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Hơn nữa, nợ quốc gia của Mỹ đang phình to và các cuộc khủng hoảng trần nợ công tái diễn cũng là những vấn đề đáng lo ngại.
Vàng cũng tiếp tục đóng vai trò là công cụ phòng ngừa lạm phát. Phó Giáo sư Liew Chee Yoong đánh giá, mặc dù lạm phát toàn cầu đã giảm bớt kể từ đỉnh điểm đại dịch COVID-19 nhưng ở nhiều nền kinh tế, lạm phát lõi vẫn ở mức cao. Đối với dự trữ ngoại hối của Malaysia, vàng chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ, ở mức 2,2% tính đến năm 2023, so với mức trung bình toàn cầu 8%.
Nhà kinh tế trưởng Shan Saeed tại tập đoàn Juwai IQI chi nhánh Malaysia dẫn số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, tính đến quý I/2025, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã nắm giữ 38 tấn vàng. Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã và đang trong giai đoạn mua ròng mạnh mẽ kéo dài nhiều năm - mua hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm kể từ năm 2022. Chỉ riêng trong tháng 5/2025, các ngân hàng trung ương đã mua thêm 20 tấn vàng và kỷ lục là 95% các nhà quản lý dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng dự trữ vàng trong năm tới.
Nhà kinh tế Shan Saeed cho biết, một số động lực kinh tế và tài chính đã tác động đến nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương. Khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy việc đa dạng hóa trong khủng hoảng, phòng ngừa lạm phát và phòng ngừa địa chính trị là những lý do hàng đầu cho việc phân bổ vàng. Nhà kinh tế trưởng của Juwai IQI cũng dẫn kết quả cuộc khảo sát của UBS (Union Bank of Switzerland) cho thấy các ngân hàng trung ương lo ngại về rủi ro tài chính liên quan đến việc tái cấu trúc nợ của Mỹ và việc chính trị hóa Cục Dự trữ Liên bang (Fed), với hơn 65% ngân hàng trung ương lo ngại về tính trung lập của chính sách, trong khi 39% ngân hàng trung ương đang lên kế hoạch tích trữ vàng trong nước nhiều hơn.
Nhà kinh tế trưởng Shan Saeed đánh giá, tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh giá vàng ổn định, khi kim loại quý này đã tăng giá khoảng 28% trong năm nay, với dự báo dao động từ 3.300 - 4.000 USD/ounce vào cuối năm. Vì vậy, các ngân hàng trung ương gần như chắc chắn sẽ tiếp tục mua vàng để phòng ngừa lạm phát, rủi ro địa chính trị và tài chính, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ông lưu ý chỉ số đồng USD đã giảm 10,5% từ đầu năm đến nay và có thể sẽ gặp rủi ro vào cuối năm. Điều này phù hợp với những thay đổi về cấu trúc trong hệ thống dự trữ toàn cầu mà thế giới đang chứng kiến.
Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng của Đại học Sunway cho biết đà tăng của giá vàng đã rõ ràng kể từ giữa năm 2019, do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm việc Fed cắt giảm lãi suất, leo thang chiến tranh thương mại, lo ngại suy thoái kinh tế, rủi ro địa chính trị và hoạt động mua vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương.
Giá vàng tăng đặc biệt mạnh trong năm 2024 với mức tăng hàng tháng trung bình 23% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý hơn, mức tăng hàng tháng đã tăng tốc 39% trong sáu tháng đầu năm 2025 do các yếu tố tương tự, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cuộc chiến thuế quan toàn cầu của Tổng thống Trump và sự suy yếu của đồng USD trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nợ công cao và khó khăn tài chính của Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng Mohd Afzanizam Abdul Rashid của Ngân hàng Muamalat Malaysia Bhd cho biết, các chính sách kinh tế của Mỹ sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này về lâu dài, với việc thuế quan làm tăng chi phí kinh doanh, dẫn đến chi phí sinh hoạt cao hơn.
Nhà kinh tế Rashid cho biết đạo luật ngân sách mang tên “One Big Beautiful Bill” của Mỹ sẽ dẫn đến việc nới rộng khoảng cách thu nhập, vì các biện pháp cắt giảm thuế có lợi cho cá nhân có thu nhập cao với cái giá phải trả là chi tiêu xã hội thấp hơn như Medicaid cũng như việc cắt giảm trợ cấp năng lượng sạch. Điều này có thể tác động đáng kể đến quỹ đạo tăng trưởng của Mỹ.
Moody’s Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ Aaa xuống Aa1 ngày 16/5 vừa qua, đồng thời dự báo thâm hụt ngân sách sẽ tăng từ 6,4% GDP năm 2024 lên gần 9% GDP vào năm 2035; tương tự, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng từ 98% GDP năm 2024 lên 134% GDP vào năm 2035.
Nhà kinh tế Mohd Afzanizam nhận định cộng đồng thương mại đang xem xét lại vai trò tài sản trú ẩn an toàn của đồng USD, điều này tạo ra lý do thuyết phục cho việc vàng trở thành tài sản thay thế cho các tài sản trú ẩn an toàn. Việc chuyển sang vàng và các kim loại quý khác như bạc, bạch kim và palladium có thể là hướng đi đúng đắn. Nhà kinh tế Mohd Afzanizam cũng dự báo giá vàng sẽ dao động quanh mức 3.500 USD/ounce trong năm nay.