Đến cuối quý II/2025, tổng tài sản của CTCK này đạt 20.198 tỷ đồng, tăng 4 lần so với đầu năm, vượt qua SHS, DNSE hay FPTS để vươn lên nhóm đầu ngành.
Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) đang nổi lên như một “hiện tượng” mới trong làng chứng khoán khi báo lãi quý II/2025 lên tới 206 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ khi thành lập. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất toàn ngành tính đến ngày 19/7.
Động lực đến từ đà mở rộng quy mô hoạt động và gia tăng đầu tư tài chính. Trong quý II, doanh thu hoạt động của LPBS đạt 442 tỷ đồng, gấp 16 lần, trong đó lãi từ tự doanh (FVTPL) tăng vọt lên 284 tỷ đồng – gấp hàng trăm lần cùng kỳ. Lãi từ đầu tư giữ đến đáo hạn (HTM) cũng tăng gần 3 lần lên hơn 62 tỷ đồng.
Dù chi phí hoạt động và lãi vay tăng mạnh, LPBS vẫn đạt 246,6 tỷ đồng lãi ròng 6 tháng, tăng 1.882%, vượt nhiều tên tuổi lớn và dẫn đầu tăng trưởng ngành.
Đáng chú ý, đến cuối quý II, tổng tài sản LPBS đạt 20.198 tỷ đồng, tăng 4 lần so với đầu năm, vượt qua SHS, DNSE hay FPTS để vươn lên nhóm công ty chứng khoán có quy mô lớn. Riêng danh mục FVTPL và HTM đã chiếm hơn 13.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 11 lần và 25 lần chỉ sau 2 quý.
![]() |
Nguồn: LPBS |
Sự bứt phá mạnh mẽ của LPBS gắn liền với việc tăng vốn điều lệ từ 250 tỷ lên 3.888 tỷ đồng hồi tháng 4. Hiện công ty có 205 nhân sự - giảm 36 người so với đầu năm.
Song song đó, công ty cũng gia tăng ảnh hưởng trong hệ sinh thái LPBank - Thaigroup, đặc biệt là tại Tập đoàn HAGL – nơi LPBS cùng Thaigroup trở thành nhóm cổ đông lớn, sở hữu 11,47% vốn và tham gia đề cử nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ 2025–2030.
Bà Vũ Thanh Huệ (SN 1985), Phó Chủ tịch LPBS, được nhóm cổ đông này giới thiệu vào HĐQT HAGL. Bà hiện cũng đảm nhiệm nhiều vai trò chủ chốt tại các công ty thuộc Thaigroup – cho thấy sự phối hợp sâu giữa các bên trong chiến lược tài chính – đầu tư.
Tuy nhiên, mở rộng nhanh cũng đi kèm áp lực tài chính. Nợ phải trả của LPBS đã tăng 15 lần, lên gần 16.000 tỷ đồng, chủ yếu từ vay ngắn hạn tại các ngân hàng như LPBank, Vietcombank, BIDV, ABBank... với tổng dư nợ hơn 13.000 tỷ, lãi suất từ 4,4–6,5%/năm.
Với tốc độ tăng trưởng tài sản và lợi nhuận thần tốc, LPBS đang tái định vị mình không chỉ là một công ty chứng khoán trẻ, mà là một “tay chơi lớn” trong làn sóng định hình lại thị phần môi giới và đầu tư tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, mối liên hệ chiến lược với HAGL – Thaigroup cũng mở ra hướng đi dài hơi trong hoạt động đầu tư, cấu trúc doanh nghiệp và mở rộng ảnh hưởng trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp và tiêu dùng.
>> KQKD nhóm chứng khoán quý II/2025: VIX tái lập kỳ tích, xuất hiện mức tăng 1.400%