Tin thị trường

KQKD nhóm chứng khoán quý II/2025: VIX tái lập kỳ tích, xuất hiện mức tăng 1.400%

Người quan sát -
20/07/2025
Chứng khoán

KQKD nhóm chứng khoán quý II/2025: VIX tái lập kỳ tích, xuất hiện mức tăng 1.400%

Quốc Trung 19/07/2025 - 17:00

Bức tranh lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy ngành chứng khoán đang bước vào chu kỳ phục hồi, song không dành cho tất cả.

Sau giai đoạn tăng tốc của thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2025, VN-Index lần lượt chinh phục thành công các kháng cự 1.200, 1.300 điểm (hiện áp sát mốc 1.500 điểm), nhóm các công ty chứng khoán đã ghi nhận bức tranh lợi nhuận khởi sắc. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự phân hóa rõ rệt giữa nhóm đầu ngành, nhóm tăng trưởng trung bình và các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang tụt lại phía sau.

KQKD nhóm chứng khoán quý II/2025: VIX tái lập kỳ tích, xuất hiện mức tăng 1.400%
Ảnh minh họa

Nhóm đầu bảng: Ngôi vương gọi tên TCBS, VIX bứt tốc mạnh nhất

Tính riêng quý II, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với lợi nhuận sau thuế đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất của TCBS từ đầu năm đến nay, đóng góp lớn vào kết quả lũy kế 6 tháng đầu năm với 2.431 tỷ đồng – chiếm gần 10% tổng lợi nhuận của toàn ngành.

Xếp sau TCBS là loạt công ty lớn như VPS (702 tỷ đồng, tăng 35%) và SSI (923 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%). Đáng chú ý nhất là VIX – khi công ty này bất ngờ bứt phá với mức lãi 1.302 tỷ đồng trong quý II, tăng 952% so với cùng kỳ (lặp lại kỳ tích quý trong năm 2023). Nhờ hưởng lợi lớn từ danh mục tự doanh, đây cũng là quý có lợi nhuận cao kỷ lục của VIX từ trước đến nay. Sau 6 tháng, VIX ghi nhận lãi ròng 1.674 tỷ đồng – gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm tăng trưởng cao: LPBS, CTS, TVS, DSC dẫn dắt

Một điểm nhấn đáng chú ý khác đến từ nhóm công ty chứng khoán quy mô trung bình với mức tăng trưởng ba chữ số. Dẫn đầu là LPBS khi lãi sau thuế quý II đạt 206 tỷ đồng – gấp gần 15 lần cùng kỳ năm ngoái, đưa lợi nhuận lũy kế 6 tháng lên 419 tỷ đồng – tăng 1.777%. Kết quả này phản ánh hiệu quả cải tổ mô hình kinh doanh của công ty trong bối cảnh thị trường phục hồi.

Chứng khoán VietinBank (CTS) cũng ghi nhận lãi 176 tỷ đồng trong quý II, tăng 741%, là mức cao nhất kể từ năm 2022. TVS (Chứng khoán Thiên Việt) tăng trưởng ấn tượng với 52 tỷ đồng, tăng hơn 100%, còn DSC (Chứng khoán Đà Nẵng) đạt 45 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Những doanh nghiệp này đều tận dụng được đà tăng thanh khoản để cải thiện mạnh mẽ hiệu quả tự doanh và cho vay margin.

Bên cạnh đó, ACBS cũng tăng lãi 61% lên 188 tỷ đồng, BMSC tăng 279% lên 62 tỷ. Đây là tín hiệu cho thấy sự vươn lên của nhóm giữa bảng khi biết tận dụng cơ hội, tối ưu chi phí và đa dạng hóa nguồn thu.

>> Xuất hiện một công ty niêm yết báo doanh thu quý II/2025 tăng 10.600%

Nhóm gặp khó: Nhiều tên tuổi lớn hụt hơi

Ngược lại, một số công ty quy mô lớn lại ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Chứng khoán TP. HCM (HSC) báo lãi quý II giảm 39% xuống 192 tỷ đồng do chi phí dự phòng tăng cao. FPTS cũng ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nhóm dẫn đầu, khi lợi nhuận ròng quý II chỉ còn 61 tỷ đồng – giảm tới 62% so với cùng kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng từ định giá lại danh mục cổ phiếu.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) giảm 20% còn 51 tỷ đồng, MBS giảm nhẹ 2% xuống 221 tỷ đồng, dù vẫn duy trì được mức lãi ổn định trong bối cảnh hoạt động tự doanh gặp khó.

Nhóm thua lỗ: Những cái tên bị bỏ lại

Sự khốc liệt của thị trường cũng lộ rõ ở nhóm công ty chứng khoán nhỏ hoặc đang tái cơ cấu, với nhiều cái tên báo lỗ đáng kể. BOS dẫn đầu danh sách lỗ với -38 tỷ đồng trong quý II, tiếp đến là VTGS (-10 tỷ), EVS (-8 tỷ), VDSC (-7 tỷ), Apec (-7 tỷ), CVS (-8 tỷ). Đáng nói, VDSC từng ghi nhận lãi 121 tỷ đồng cùng kỳ 2024, nay đã đảo chiều sang âm.

Theo quan sát, những doanh nghiệp này thường gặp khó do thị phần thấp, năng lực tự doanh hạn chế, chi phí cố định cao và không tận dụng được chu kỳ tăng thanh khoản của thị trường.

Toàn cảnh phân hóa gay gắt, cơ hội chỉ thuộc về số ít

Nhìn tổng thể, ngành chứng khoán Việt Nam đã có bước hồi phục rõ nét trong quý II và nửa đầu năm 2025, nhờ mặt bằng thanh khoản thị trường cải thiện, chỉ số VN-Index vượt 1.500 điểm và dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trở lại. Tuy nhiên, cơ hội chủ yếu tập trung vào nhóm công ty có quy mô lớn, nền tảng vững chắc và chiến lược kinh doanh rõ ràng.

Trong khi đó, các công ty nhỏ vẫn vật lộn với bài toán tồn tại, chưa thể tạo đột phá về nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh chi phí hoạt động ngày càng gia tăng và cạnh tranh thị phần gay gắt.

Bức tranh 6 tháng đầu năm cho thấy ngành chứng khoán đang bước vào chu kỳ phục hồi, nhưng không dành cho tất cả. Tính phân hóa sẽ còn tiếp diễn và chỉ những đơn vị thích nghi nhanh, đầu tư hiệu quả mới có thể giữ vững vị thế trong thời gian tới.

>> TTCK bùng nổ: Chỉ 50 cổ phiếu tạo ra 330 điểm tăng, đâu là nhóm đang thực sự dẫn dắt?

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh