TTF: Lời hứa của ông Mai Hữu Tín và sự mong manh của cổ phiếu TTF

Thời báo kinh doanh - 04/05/2021 10:44:27 SA


Trong những ngày gần đây, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF) đang gây xôn xao giới tài chính bởi những phát ngôn của Chủ tịch HĐQT Mai Hữu Tín tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2021, liên quan đến mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Đặc biệt là lời hứa đưa cổ phiếu TTF trở về mệnh giá 10.000 đồng/cp trong thời gian ngắn nhất.
 
Trên thực tế, cổ phiếu TTF thời gian qua đã có mức tăng đáng kể, từ hơn 4.000 đồng/cp lên vùng giá 8.000 đồng/cp chỉ trong thời gian ngắn nhờ sự chuyển biến tích cực từ hoạt động kinh doanh, cùng với đó là những kế hoạch đầy tham vọng đến từ ban lãnh đạo... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ chỉ là “đốm lửa giữa đêm đông” của cổ phiếu TTF bởi Gỗ Trường Thành còn quá nhiều vấn đề tồn đọng.
 
"Chơi một cuộc chơi hoàn toàn khác"
 
Tại ĐHĐCĐ năm nay, ban lãnh đạo công ty đã trình cổ đông thông qua các phương án ảnh hưởng lớn đến tình hình nguồn vốn tại doanh nghiệp.
 
Theo đó, Gỗ Trường Thành sẽ dừng việc triển khai phương án phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ tại Ngân hàng TMCP Đông Á đã được thông qua từ ĐHĐCĐ năm 2020, nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

 
 Ngay sau những cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp thường sẽ tạo ra hiệu ứng sóng tăng cho cổ phiếu đó.
 
Để thay thể phương án này, Gỗ Trường Thành dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ 59,4 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là gần 595 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi với tỷ lệ cố định là 12%/năm.
 
Ngoài ra, cũng tại ĐHĐCĐ, công ty đã trình cổ đông phương án chào bán cổ phiểu riêng lẻ hoán đổi nợ với số lượng hơn 40,5 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương hơn 405 tỷ đồng. Toàn bộ cổ phiếu phát hành sẽ được hoán đổi cho một chủ nợ là ông Bùi Hồng Minh với mức cổ tức cố định là 6,5%/năm.
 
Các cổ phiếu phát hành riêng lẻ dự kiến được Gỗ Trường Thành phát hành cho đại chúng, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để tái cơ cấu nợ vay, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
 
Ngoài việc trình các phương án phát hành, ông Mai Hữu Tín cho biết, bản thân sẽ “đổ” 100 tỷ đồng vào đợt phát hành đầu tiên và đặt mục tiêu 1 tỷ USD sẽ là con số thấp nhất mà vị doanh nhân này sẽ chi cho “cuộc chơi” này. Đồng thời khẳng định cổ phiếu TTF sẽ trở về mệnh giá vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
 
“Tôi cũng là cổ đông lớn nhất và nếu không tạo ra được giá trị cho tôi thì cũng không làm được gì cho các cổ đông khác.Tôi bỏ thời gian công sức cho Gỗ Trường Thành không phải để chịu mức giá cổ phiếu thấp như hiện nay. Một khi thoát được nợ xấu, công ty sẽ chơi một cuộc chơi hoàn toàn khác vì có quyền vay tiền mặt và ngoại tệ với mức lãi suất thấp”, ông Tín khẳng định.
 
Cơ sở mong manh
 
Trong năm 2021, Gỗ Trường Thành đặt ra kế hoạch doanh thu tăng 67% lên 2.025 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 59 tỷ đồng, gấp 2,3 lần thực hiện năm trước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tham vọng này không dễ dàng đạt được khi tính đến cuối năm 2020 doanh nghiệp vẫn đang lỗ lũy kế 3.044 tỷ đồng.
 
Tại BCTC kiểm toán năm 2020, cơ quan kiểm toán đã nhấn mạnh sự tồn tại yếu tố không chắc chắn, có thể dẫn đến sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty do có tổng nợ phải trả vượt quá tổng tài sản 585 tỷ đồng.
 
Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.268 tỷ đồng. Công ty cũng có khoản vay đã quá hạn đối với ngân hàng và bên thứ 3 trị giá 124 tỷ đồng (Ngân hàng Đông Á).
 
Ngoài khoản nợ quá hạn này thì trong 2 tháng vừa qua, Gỗ Trường Thành cũng có khoản nợ ngân hàng cần thanh toán là 20 tỷ đồng cho Agribank và khoản nợ phải trả theo hình thức tín chấp gần 363 tỷ đồng cho ông Bùi Hồng Minh.
 
Với các khoản nợ này công ty đều có phương án trả nợ như đã nói ở trên, nhưng có thành công hay không lại là câu chuyện của sau này.
 
Trở lại với câu chuyện về mức giá của cổ phiếu, cũng phải nhắc lại, ông Mai Hữu Tín không phải là vị doanh nhân đầu tiên đưa ra lời hứa về mệnh giá cho “đứa con” của doanh nghiệp mình. Trước đó, để trấn an cổ đông trước đà giảm sâu của thị giá cổ phiếu, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp như ông Lê Phước Vũ- Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen, ông Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc đều đã đưa ra những lời hứa đưa cổ phiếu về đúng giá trị, vượt mệnh giá.
 
Hiện, FLC và HSG đều đã vượt qua mệnh giá, thậm chí còn vươn lên mức giá 3x như HSG nhưng để đạt được thành quả này các “đại gia” này đã không ít lần phải thất hứa với cổ đông. Còn đối với ITA cam kết “chỉ có lên và cổ phiếu sẽ về mệnh giá” đã đi qua khoảng thời gian 4 năm mà cổ phiếu này vẫn đang ở quanh vùng giá 7.000 đồng/cp.
 
Thực tế, ngay sau những cam kết về giá của lãnh đạo, thường sẽ tạo ra hiệu ứng sóng tăng cho cổ phiếu đó (cổ phiếu TTF đã ngay lập tức tăng trần trong phiên giao dịch ngày diễn ra ĐHĐCĐ 27/4). Tuy nhiên về dài hạn, nếu lời hứa về mệnh giá cứ trôi qua sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào doanh nghiệp, cũng như ban lãnh đạo. Câu chuyện của ông Trịnh Văn Quyết trong giai đoạn 2019-2020 là một bài học nhãn tiền cho lo ngại này.
 
Thậm chí, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán đã từng ví von: "Lời hứa về giá cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp chẳng khác nào đi vào tiệm cắt tóc và hỏi rằng có cần cắt không. Điều quan trọng nhất là họ sẽ làm gì?".
 
 

Các tin liên quan