Tin ra là xả, cổ phiếu ngân hàng giảm đồng loạt, hàng đầu cơ ngược sóng

Vneconomy - 06/12/2022 12:14:22 CH


Thông tin tăng chỉ tiêu tín dụng cho năm 2022 ra muộn chiều qua khiến không ít nhà đầu tư thấp thỏm vui mừng và chờ đón phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên sự thất vọng đến rất sớm, khi áp lực chốt lời đồng loạt đẩy các cổ phiếu ngân hàng lao dốc, kéo theo độ rộng thu hẹp rất nhanh. VN-Index bốc hơi hơn 16 điểm tương đương 1,47%. Cổ phiếu ngân hàng chiếm 4/10 mã khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất...

 
Nhóm cổ phiếu tài chính bất ngờ lao dốc cả loạt.
 
Thông tin tăng chỉ tiêu tín dụng cho năm 2022 ra muộn chiều qua khiến không ít nhà đầu tư thấp thỏm vui mừng và chờ đón phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên sự thất vọng đến rất sớm, khi áp lực chốt lời đồng loạt đẩy các cổ phiếu ngân hàng lao dốc, kéo theo độ rộng thu hẹp rất nhanh. VN-Index bốc hơi hơn 16 điểm tương đương 1,47%. Cổ phiếu ngân hàng chiếm 4/10 mã khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất.
 
Phản ứng trên thị trường khá khá nhanh, thậm chí không có sự giằng co. Vừa mở phiên vài phút VN-Index đã giảm hơn 1,2%. Đà lao dốc tăng tốc đẩy chỉ số chạm đáy lúc 10h30, bốc hơi 2,25% giá trị. Lực cầu bắt đáy có xuất hiện ở một số mã, nhưng chốt phiên sáng chỉ số vẫn giảm 1,47%.
 
Độ rộng sàn HoSE ghi nhận 133 mã tăng/307 mã giảm, nghĩa là số giảm giá nhiều gấp 2,3 lần số tăng. Độ rộng như vậy xác nhận áp lực điều chỉnh giảm diễn ra trên diện rộng. Tới 160 cổ phiếu trên sàn này đang giảm từ 1% trở lên, dù mới có 4 mã giảm sàn.
 
Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm, vì nhiều nhà đầu tư đánh giá việc mở room tin dúng sẽ giúp nhóm này hưởng lợi. Tuy nhiên bên cầm cổ đã tranh thủ xả hàng lớn. Những cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản cao hầu hết giảm rất mạnh như STB giảm 3,59% giá trị giao dịch tới 462,5 tỷ đồng; VPB giảm 1,1% thanh khoản 324,6 tỷ; SHB giảm 2,22% thanh khoản 221,2 tỷ; TCB giảm 4,66% giao dịch 196,3 tỷ...
 
Trong tổng số 27 mã ngân hàng trên các sàn, duy nhất LPB tăng 4,23%, HDB tăng 1,47% và NAB tăng 1,06%, thêm BVB, ABB, SSB tham chiếu, KLB chưa khớp được lệnh nào, còn lại toàn giảm. Tới 19/27 cổ phiếu ngân hàng đang giảm quá 1% giá trị. Nhóm khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất là BID giảm 3,76%, VCB giảm 1,29%, TCB giảm 4,66%, CTG giảm 2,62%.

 
Diễn biến của VN-Index sáng nay cho thấy thị trường xuất hiện áp lực bán rất sớm.
 
Ngoài cổ phiếu ngân hàng, các chỉ số còn chịu áp lực lớn từ nhóm blue-chips nói chung. VN30-Index kết phiên sáng giảm tới 1,94% với độ rộng duy nhất HDB tăng, SAB tham chiếu, còn lại là giảm. NVL, VRE và TCB là 3 cổ phiếu rơi sâu nhất, đều trên 4% giá trị. Đặc biệt NVL chịu áp lực cực mạnh với giá giảm tới mức sàn ngay 15 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục. Hiện NVL đang được đỡ 2 mức giá thấp nhất khoảng 417.500 cổ, giá giảm 6,77%, thanh khoản đã lên tới 50,15 triệu cổ trị giá 1.037,7 tỷ đồng, cao nhất thị trường. NVL sau cú nảy 3 phiên đã quay bị xả 4 phiên và giảm liền 3 phiên, giá quay lại ngưỡng đáy hôm 25/11, tức là phiên chạm đáy. Ngoài ra VHM giảm 2,74%, GAS giảm 2,3%, VIC giảm 1,47%, HPG giảm 3%, VRE giảm 4,91% là các trụ rất yếu.
 
Trong 133 cổ phiếu tăng ngược dòng sáng nay có 30 mã kịch trần, hầu hết là các cổ phiếu đầu cơ nhỏ. Tuy nhiên cũng có nhiều cổ phiếu có dòng tiền mạnh như HAG, HAH, VHC, DBC đạt thanh khoản trên 70 tỷ đồng. Ngoài ra nhóm DCM, BAF, ASM, DPM, PAN, DGC, DIG cũng thanh khoản rất lớn và giá đều tăng trên 3%.
 
Dù vẫn có một số cổ phiếu tăng giá ngược dòng xuất sắc nhưng nhìn chung thanh khoản của nhóm tăng giá vẫn khiêm tốn, chỉ chiếm 32,6% tổng giá trị khớp lệnh của HoSE. Thanh khoản nhóm giảm hoàn toàn áp đảo, chiếm 64,8% giá trị sàn. Phân bổ dòng tiền như vậy vẫn cho thấy áp lực bán hạ giá chiếm ưu thế.
 
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sáng nay cũng tăng gần 22% so với sáng hôm qua, đạt 11.622 tỷ đồng. HoSE tăng 22%, đạt gần 10.574 tỷ đồng. Khối ngoại giảm giao dịch khá nhiều, tổng giải ngân tại HoSE mới đạt 892,5 tỷ đồng, bán ra 693,3 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 199,2 tỷ đồng. Nhóm được mua ròng tốt nhất chỉ có VHM +41,6 tỷ, NLG +30,6 tỷ, SSI +27,7 tỷ, VIC +17,8 tỷ, cùng với chứng chỉ quỹ FUEVFVND +47,8 tỷ. Phía bán ròng cao nhất là VRE -23 tỷ, BID -14 tỷ. DPM -13,5 tỷ và DCM -11,8 tỷ.
 

Các tin liên quan