Tin thị trường

Chuyên gia VPBankS: “Ngân hàng, công nghệ, tài nguyên, bán lẻ có triển vọng tốt ngay cả khi ảnh hưởng bởi thuế quan”

Nhịp sống kinh doanh -
30/04/2025
dao-hong-duong-01-1-.jpg
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, VPBankS

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 28/4, trả lời câu hỏi ngành nào có triển vọng khá tốt, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, thứ nhất, ngành ngân hàng, thứ hai ngành công nghệ thông tin, thứ ba là tài nguyên cơ bản, trong đó tập trung vào HPG. Thứ tư là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, còn một số ngành như bất động sản (BĐS), bao gồm cả BĐS công nghiệp và nhà ở, chứng khoán, dịch vụ tài chính. Cần lưu ý rằng những nhóm ngành này cần chờ ở một định giá hợp lý, khi mọi thứ được phản ánh hết.

“Triển vọng tăng trưởng về lợi nhuận của những ngành trên trong năm 2025 tương đối tốt, ngay cả trong trường hợp thuế quan có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam”, ông Dương nói.

Ngoài ra, định giá của những ngành này cũng tương đối hấp dẫn, phù hợp để đầu tư trung dài hạn do đó chuyên gia VPBankS khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi, bám sát định giá chung của thị trường để chọn cổ phiếu phù hợp. Ở thời điểm hiện tại, nhiều ngành nghề đang có mức giá hợp lý.

Cũng theo ông Đào Hồng Dương, hiện tại, thị trường có 2 yếu tố tích cực. Thứ nhất, đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung khá tươi sáng. Có hai câu hỏi được nêu ra khá nhiều trong các cuộc họp ĐHĐCĐ doanh nghiệp thuộc VN30 và 50 doanh nghiệp lớn nhất về vốn hóa là căn cứ nào để tăng trưởng và đánh giá thế nào về ảnh hưởng của thuế quan tới kết quả kinh doanh.

Quảng cáo

Hầu hết ban lãnh đạo cho biết, doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng trực tiếp về vấn đề thuế quan. Đây là một trong những yếu tố có thể cân bằng tâm lý thị trường trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, khi mà bức tranh về kết quả kinh doanh được thể hiện rõ nét hơn. Những yếu tố ảnh hưởng đã được phản ánh, những yếu tố không ảnh hưởng sẽ được cân bằng lại.

Ông Dương phân tích thêm rằng, nếu để ý ngay cả trong câu chuyện thuế quan, hầu hết doanh nghiệp đều đánh giá không bị ảnh hưởng trực tiếp mà chịu tác động gián tiếp. Tác động gián tiếp này chủ yếu liên quan đến tổng cầu của nền kinh tế, ảnh hưởng tới GDP.

Luồng thông tin đến từ IMF hay World Bank đều có đánh giá về ảnh hưởng lên GDP toàn cầu. Trong kịch bản chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, ảnh hưởng này là không thể tránh khỏi. Nhìn chung, những diễn biến trên thị trường chứng khoán đang phản ánh tâm lý tiêu cực.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường chưa tính đến câu chuyện nội tại Việt Nam.

”Thứ nhất, tôi cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ sẽ không để cho GDP Việt Nam chịu ảnh hưởng mà sẽ có những biện pháp khắc phục. Quay ngược trở lại giai đoạn COVID 2020, mặc dù tăng trưởng GDP thời điểm đó rất thấp nhưng thị trường chứng khoán lại có một năm rực rỡ.

Đồng thời, trong trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, tiêu dùng và đầu tư công sẽ là những lĩnh vực được Chính phủ thúc đẩy, từ đó tạo nên những cổ phiếu có thể hưởng lợi từ xu hướng này. Do đó, tôi cho rằng xu hướng phân hóa của cổ phiếu trên sàn có thể tiếp tục mạnh hơn nữa trong thời gian sắp tới”, ông Dương đưa ra nhận định.

Theo ông Dương, nếu chuẩn bị cho phương án tương đối xấu thì nhà đầu tư có thể chủ động được trong tình huống mọi thứ tốt lên. Với Việt Nam, biến động thị trường trong tháng vừa qua đã phản ánh trường hợp tồi tệ nhất, có nghĩa là thuế quan 46%. Sau đó, nếu câu chuyện đàm phán của Việt Nam có hiệu quả thì mọi thứ có thể tốt lên.

“Trong thời điểm hoảng loạn nhất trong tháng 4 thì thị trường cũng chiết khấu về P/E vào khoảng 10,5 lần. Trong 10 năm vừa qua, VN-Index chỉ chạm về vùng định giá này trong 3 lần. Định giá thị trường về cơ bản cũng sẽ có một ngưỡng hỗ trợ nhất định và tình hình không tệ đến mức có thể phá vỡ được ngưỡng này”, ông Dương nói và đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư có thể chọn danh mục cổ phiếu ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan và nắm giữ dài hạn.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh