Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á vẫn có nhiều gam màu tích cực nhờ có sự dẫn dắt của các chỉ số TWSE (+1,81%), NIKKEI 225 (+1,56%). Các chỉ số KLSE (+0,18%), STI (+0,66%), HSI (+0,32%) cũng đều tăng điểm.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không duy trì được mạch 4 phiên tăng điểm. Trạng thái giảm nhẹ đã xuất hiện trong phiên cuối tuần cùng với nhiều sự phân hóa được ghi nhận.
Chất xúc tác
Thanh khoản của HOSE có phần suy giảm nhẹ so với phiên hôm qua, giảm hơn 11% xuống 693,91 triệu đơn vị. Qua đó, HOSE đã có 10 phiên liên tiếp khớp lệnh dưới mức bình quân 20 phiên giao dịch.

Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã dừng lại chuỗi mua ròng. Khối này đảo chiều bán ròng 90 tỷ đồng với nhiều cổ phiếu như VCB (-185 tỷ đồng), VHM (-133,8 tỷ đồng), NVL (-90,1 tỷ đồng), SSI (-67 tỷ đồng) đứng đầu trong danh sách thống kê.
Được biết, nhà điều hành vẫn đang có nhiều phiên rút ròng với quy mô nhỏ trên thị trường mở. Ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 3.003,19 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 83.512,57 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Vận động thị trường
Hiệu ứng tích cực từ thông tin Vinpearl chuẩn bị niêm yết trên HOSE tác động lên nhóm Bất động sản đã có phần tạm lắng xuống. Tại VN30, các cổ phiếu tăng tốt nhất lại là LPB (+4,4%), FPT (+1,5%) trong khi đó VIC (-2,5%) hạ nhiệt còn VHM đứng giá tham chiếu.
Các cổ phiếu Bất động sản như NVL (-2,4%), NTL (-2,6%), TCH (-2,8%), CKG (-2,9%), DPG (-2,9%), KDH (-1,2%), HDC (-1,1%) cũng ghi nhận sự chốt lời nhẹ. Còn nhóm Khu Công nghiệp cũng không giữ được đà hồi phục với IJC (-1,2%), KBC (-1,4%), SZC (-1,8%) cùng giảm trên 1%.
Thực tế, sự xuất hiện của LPB hay FPT cũng không tạo ra những hiệu ứng lan tỏa về nhóm ngành. Các mã Ngân hàng như MBB (-0,2%), VIB (-0,3%), VCB (-0,9%), BID (-1%) đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Điều này đã dẫn đến thị trường không thực sự có cổ phiếu dẫn dắt trong cả phiên giao dịch. Trạng thái lình xình được ghi nhận trong cả phiên và VN-Index chốt tuần trong sắc đỏ. Chỉ số giảm 2,5 điểm xuống 1.267,3 điểm (-0,2%). Thanh khoản sàn đạt 746,66 triệu đơn vị, tương đương 17.061 tỷ đồng.
Độ rộng của toàn HOSE ghi nhận sắc đỏ nhỉnh hơn với 47,3% mã giảm so với 37% mã tăng giá. Các cổ phiếu có mức tăng cá biệt không còn xuất hiện nhiều và chỉ rải rác ở một số mã như PET, ITC tăng trần hay như CTR (+4,82%), PNJ (+3,24%), CII (+3,06%) tăng trên 3%.
Trong khi đó, tình trạng trái chiều của HNX-Index và UPCoM-Index đã xuất hiện trở lại. Chỉ số HNX-Index giảm 0,5% xuống 214,13 điểm với giá trị giao dịch đạt 856 tỷ đồng.
Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,45% lên 93,4 điểm với khối lượng giao dịch đạt 46 triệu đơn vị, tương đương 475 tỷ đồng.