
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 3.246,95 USD/ounce. Trước đó, trong phiên 12/5, giá vàng đã giảm xuống mức thấp 3.207,30 USD/ounce. Chốt phiên 13/5, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6% lên 3.247,8 USD/ounce.
Ông Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính TD Securities, nhận định giá vàng đã có một đợt điều chỉnh lớn trong phiên đầu tuần, sau thông tin về thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết thêm, mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 30%, điều này khá tiêu cực đối với nền kinh tế.
Sau các cuộc đàm phán tại Geneva vào cuối tuần trước, Mỹ sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ từ 125% xuống 10%. Các biện pháp mới này có hiệu lực trong 90 ngày.
Trong năm 2025, giá vàng đã liên tục phá vỡ nhiều mức cao kỷ lục với sự hỗ trợ của một loạt nhân tố: tâm lý lo ngại về nguy cơ kinh tế suy yếu sau các đợt áp thuế quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị và dòng tiền đổ vào các quỹ ETF giao dịch bằng vàng ngày càng tăng.
Theo Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 0,2% trong tháng trước, thấp hơn mức dự báo tăng 0,3% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát trước đó của Reuters.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại công ty giao dịch kim loại quý Kitco Metals, nhận định báo cáo CPI có xu hướng có lợi cho thị trường kim loại quý, bởi báo cáo về mức lạm phát không đáng lo ngại này có thể góp phần vào việc ra quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng Chín tới. Lãi suất thấp hơn thường làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Tại Việt Nam, chiều 13/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 118,5 - 120,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).