Lãnh đạo Vinatex (VGT) kỳ vọng tồn kho thấp tại Mỹ sẽ góp phần duy trì ổn định đơn hàng đến quý III/2025.
Vào sáng ngày 14/5/2025, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 5, tập trung phân tích diễn biến thị trường dệt may và các chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng HĐQT đã trình bày tổng quan tình hình thị trường và cập nhật các chính sách thuế quan mới nhất từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo ông Cầm, một số quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào Mỹ đã tích cực xúc tiến đàm phán về mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp dụng. Trong đó, Anh đã đạt thỏa thuận vào ngày 9/5/2025; Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đang trong quá trình thương thảo. Riêng Trung Quốc - quốc gia bị áp mức thuế cao nhất - đã đạt được thỏa thuận tạm thời kéo dài 90 ngày kể từ 14/5. Thỏa thuận này giúp Mỹ giảm thuế từ 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc giảm từ 125% xuống còn 10%. Tuy nhiên, mức thuế cơ sở 10% áp dụng chung cho tất cả quốc gia vẫn được giữ nguyên.
Trong bối cảnh các chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ có nhiều thay đổi khó lường, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống còn 2,8% (giảm 0,5 điểm so với dự báo tháng 1). Các nền kinh tế lớn cũng đều bị hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2025: Mỹ từ 2,8% xuống 1,8%; châu Âu còn 0,8% (giảm 0,2 điểm); Đức không tăng trưởng; Trung Quốc giảm còn 4% (giảm 0,6 điểm)... Việt Nam cũng bị điều chỉnh giảm còn 5,2%, so với mức 6,1% từng được dự báo hồi tháng 10/2024.
Mặc dù vậy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực. Riêng tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 13,9 tỷ USD, tăng 11%. Các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều ghi nhận tăng trưởng, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiệu giảm do nước này chủ yếu nhập khẩu sợi để sản xuất vải. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tác động đến các doanh nghiệp dệt vải Trung Quốc, khiến nhu cầu nhập khẩu sợi suy giảm.
Dự báo thị trường thời gian tới, ông Cầm cho rằng quan hệ thương mại giữa hai cường quốc lớn có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ các thỏa thuận mới. Giá cước vận tải giảm, tỷ giá VND/USD ổn định, trong khi tồn kho tại Mỹ - nhiều nhãn hàng chỉ đủ hàng trong 6 - 8 tuần tới, có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng vào mùa tựu trường và cuối năm. Trong khi đó, các đối thủ như Pakistan gặp bất ổn chính trị, còn Bangladesh đang trải qua khủng hoảng năng lượng - nhiều nhà máy sợi phải đóng cửa do thiếu điện và chính quyền nước này vẫn chưa xúc tiến đàm phán thuế với Mỹ. Những yếu tố này sẽ mở ra cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: VGT) |
Bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may vẫn còn có những thách thức khi mà kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ vẫn chưa “ngã ngũ”. Ngoài ra, sức tiêu dùng tại Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục yếu, nhu cầu chưa phục hồi. Giá điện tại Việt Nam cũng vừa được điều chỉnh tăng từ ngày 10/5/2025, gây áp lực chi phí lên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành sợi.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định rằng, từ nay đến ngày 10/7/2025, Mỹ có thể sẽ áp dụng các chính sách thuế đối ứng tạm thời đối với Việt Nam, nhưng vẫn cần chờ kết quả đàm phán từ Bộ Công Thương và Chính phủ. Trong ngắn hạn, tồn kho thấp tại Mỹ là yếu tố tích cực, giúp đơn hàng quý III/2025 dự kiến duy trì tốt, tuy nhiên đơn hàng quý IV có thể giảm khoảng 10% do sức mua suy yếu. Dự báo cho thấy nhu cầu tiêu dùng của Mỹ trong cả năm 2025 có thể giảm 5%. Hiện nay, chính sách đàm phán thuế được triển khai theo từng nhóm hàng, điều này mở ra cơ hội nhất định cho ngành dệt may Việt Nam.
Để vượt qua giai đoạn nhiều biến động này, các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex cần tăng cường liên kết chuỗi, xây dựng và chia sẻ danh mục nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, từ đó chủ động thay thế nguồn nhập khẩu khi xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, khi đơn hàng còn duy trì thuận lợi, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa lợi nhuận, phấn đấu hoàn thành 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm 2025 ngay trong 6 tháng đầu năm, để chủ động ứng phó với các rủi ro trong nửa cuối năm - đặc biệt là những biến số từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Hiện Vinatex có 45 đơn vị thành viên, khoảng 80.000 nhân sự. Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Tập đoàn ghi nhận ở mức 19.223 tỷ đồng.