Bắt đầu thử nghiệm trên 500ha, Lasuco (LSS) kỳ vọng sẽ mở rộng mô hình nông nghiệp tái tạo lên 8.000ha, đồng thời thương mại hóa tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn Verra – bước đột phá mới của ngành mía đường Việt.
Giữa tháng 5/2025, CTCP Mía đường Lam Sơn (Lasuco – HoSE: LSS) cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra thực địa vùng nguyên liệu mía tại Lam Sơn (Thanh Hóa), rà soát hồ sơ kỹ thuật và thúc đẩy tiến độ đăng ký tín chỉ carbon quốc tế.
Đây là một bước quan trọng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu NetZero, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Tính đến giữa tháng 5/2025, dự án đã hoàn tất tài liệu mô tả dự án (PDD) để đăng ký vào danh mục chờ trên hệ thống Verra – một trong những hệ thống tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới về tín chỉ carbon. Hồ sơ tập trung vào các nội dung kỹ thuật chính như: Giảm sử dụng phân đạm tổng hợp, sử dụng phân hữu cơ, không đốt tàn dư sau thu hoạch, kéo dài chu kỳ mía gốc để tăng tích lũy carbon trong đất.
![]() |
Đại diện các bên trao đổi tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai giai đoạn đầu của dự án (Ảnh: Báo Thanh Hóa) |
Trong chuyến làm việc giữa ba bên, các chuyên gia đã tiến hành kiểm tra thực địa nhằm đánh giá điều kiện triển khai và phương pháp thu thập dữ liệu. Hệ thống MRV (Đo lường – Báo cáo – Xác minh) đang được Lasuco triển khai nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong suốt chu trình vận hành của dự án.
Đặc biệt, công nghệ vệ tinh được tích hợp vào hệ thống giám sát, giúp theo dõi liên tục diễn biến tại vùng nguyên liệu và đảm bảo các thông tin đầu vào được cập nhật theo thời gian thực. Hiện dự án đang được triển khai thử nghiệm trên quy mô hơn 500ha. Kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt: Lượng phát thải giảm, đất được cải tạo tốt hơn, chi phí sản xuất giảm, nông dân có động lực chuyển đổi mô hình.
Cũng trong tháng 5, các hạng mục kỹ thuật còn lại như: Xác định đường cơ sở phát thải, phạm vi giám sát phát thải gián tiếp (Scope 3), bán kính thu gom phân hữu cơ, trách nhiệm các bên trong quy trình giám sát và xác minh… sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ nộp hồ sơ đúng hạn, hướng tới việc được cấp tín chỉ carbon quốc tế trong thời gian sớm nhất. Việc tham gia cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện (VCM) sẽ nâng cao uy tín chuỗi giá trị mía đường Lam Sơn, đồng thời mở ra cánh cửa tiếp cận các nguồn tài chính xanh toàn cầu.
Ngày 19/12/2024, CTCP Mía đường Lam Sơn đã ký kết hợp đồng với 2 đối tác Nhật Bản là Idemitsu Kosan và Sagri để triển khai dự án giảm phát thải carbon tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn.
Dự án hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện quản lý đất nông nghiệp và tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa. Idemitsu Kosan tham gia với vai trò nhà đầu tư, trong khi Sagri đảm nhiệm vai trò quản lý dự án, cung cấp công nghệ phân tích dữ liệu vệ tinh và quy trình đăng ký tín chỉ carbon. Lasuco là đơn vị triển khai dự án, hợp tác với các hộ nông dân để áp dụng mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường.
![]() |
Lễ ký kết hợp đồng triển khai dự án giảm phát thải carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn giữa Lasuco, Idemitsu và Sagi (Ảnh: Lasuco Group) |
Giai đoạn thử nghiệm bắt đầu từ năm 2025 trên diện tích 500ha, sử dụng công nghệ phân tích vệ tinh để tối ưu hóa việc bón phân, giảm phát thải khí nitơ oxit và tăng lưu trữ carbon trong đất. Dự án dự kiến mở rộng lên 8.000ha và chính thức hoạt động thương mại từ năm 2026. Các tín chỉ carbon tạo ra sẽ được đăng ký theo chuẩn VM0042 của Verra – tổ chức chứng nhận tín chỉ carbon lớn nhất thế giới.
Theo ông Lê Văn Phương – Tổng Giám đốc Lasuco cho biết, việc trồng mía theo hướng giảm phát thải để bán tín chỉ carbon là mô hình có lợi cho tất cả các bên. Về triển vọng thị trường tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phương cho rằng nhu cầu mua tín chỉ trên thị trường là rất lớn, vấn đề còn lại là các bên có tìm được tiếng nói chung để ký kết giao dịch hay không.
“Toàn bộ lợi nhuận của dự án sẽ được chi trả cho nông dân, giúp họ không chỉ nâng cao năng suất cây mía mà còn cải thiện đáng kể đời sống kinh tế. Đây là cách chúng tôi đồng hành cùng nông dân, tạo ra giá trị bền vững và lâu dài”, ông Phương khẳng định.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận thương mại cho phép phát thải hoặc giảm phát thải khí nhà kính, tương đương với 1 tấn CO2. Đây được xem như một “giấy phép” để các doanh nghiệp quản lý lượng phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ quy định.
Đầu năm 2024, Việt Nam đã nhận toàn bộ khoản thanh toán trị giá hơn 51 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) từ việc bán tín chỉ carbon rừng, theo Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ được ký với Ngân hàng Thế giới (WB). Theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải.
Ngoài Bắc Trung Bộ, Việt Nam đang tiếp tục chuyển nhượng hơn 5,1 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022–2026, với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ.
![]() |
Lộ trình thực hiện sàn giao dịch carbon tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Theo tính toán, riêng ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng tạo ra tới 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu khai thác hiệu quả, nước ta có thể đạt doanh thu khoảng 300 triệu USD/năm từ giao dịch tín chỉ carbon.
Tại Hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững” tổ chức tháng 9/2024, ông Hà Công Tuấn – Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định: “Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu hiện rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Giá 1 tín chỉ dao động từ 1–2 USD, thậm chí có thể lên tới gần 200 USD”.
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, quá trình trồng mía – bao gồm vận hành máy cày, chăm sóc, tưới tiêu, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và đốt sinh khối – đang chiếm tới 76% lượng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, diện tích mía lại có thể dự trữ tới 60 tấn carbon/ha, bao gồm cả carbon hữu cơ trong và dưới mặt đất. Nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp giảm phát thải từ khâu trồng trọt đến chế biến, ngành mía đường Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tham gia thị trường carbon toàn cầu.
>> Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tiến gần cơ hội kiếm hàng tỷ USD từ một sản phẩm vô hình