Tin thị trường

Thị trường đã có thể lạc quan sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp?

Nhịp sống kinh doanh -
19/05/2025

Nhịp tăng trong 2 tuần vừa qua của thị trường

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư FIDT cho biết, thị trường vừa có nhịp tăng trong nghi ngờ, mang tính kỹ thuật nhiều hơn là xác lập xu hướng tăng bền vững.

Mốc 1.300 điểm được chinh phục nhờ lực kéo mạnh từ nhóm cổ phiếu Vingroup – đặc biệt là VIC, VHM và sau đó là VPL – trong khi phần lớn thị trường còn chưa thật sự đồng thuận. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn mang tính "xoay vòng kỹ thuật", chưa phản ánh kỳ vọng tăng trưởng thực chất trên diện rộng.

Còn với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân - Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các chỉ số chứng khoán đã có nhịp tăng cao trong thời gian qua và các chỉ báo kỹ thuật đang bước vào vùng quá mua ngắn hạn. Điều thị trường sẽ chờ đợi trong 1-2 tuần tới là kết quả thuế quan và khả năng được thông qua gói chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump.

Thương chiến vẫn là vấn đề mấu chốt

Theo ông Nguyễn Thế Minh, gói ngân sách của Mỹ bị chặn ở Quốc hội và Moody’s hạ tín nhiệm Mỹ trong khi đó các ngân hàng đang thắt chặt hoạt động cho vay tại Mỹ.

Để cân bằng các áp lực trên, chính quyền Tổng thống Trump đã vội vã quay lại thúc đẩy đàm phán bằng cảnh báo việc áp thuế sẽ diễn ra 2 – 3 tuần tới mà không cần chờ đến thời hạn 08/07/2025. Như vậy, rủi ro chính sách đã quay trở lại, điều này sẽ khiến thị trường thận trọng hơn trong thời gian tới.

Ông Bùi Văn Huy,

Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư FIDT.

Tương tự, ông Bùi Văn Huy cũng cho rằng rủi ro lớn đang hình thành từ bên ngoài tạo ra xu hướng tăng trong nghi ngờ này. Tình hình thương chiến toàn cầu bước vào giai đoạn khó lường hơn khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố dừng đàm phán song phương và sẽ gửi thư áp thuế trong thời gian tới. Đây là tín hiệu cho thấy sự đối đầu thương mại có thể quay trở lại với cường độ mạnh, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng bị đặt dưới "kính hiển vi" của các chính phủ lớn vì vai trò trung chuyển trong chuỗi cung ứng. Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, những cú sốc chính sách từ bên ngoài có thể nhanh chóng lan truyền vào thị trường chứng khoán qua các kênh tỷ giá, xuất khẩu và kỳ vọng lợi nhuận EPS.

Thị trường chào đón sự trở lại của tiền ngoại

Tuần giao dịch 12-16/5/2025, khối ngoại đã mua ròng 2.881 tỷ đồng, theo ông Nguyễn Thế Minh, đây là tuần mua ròng cao nhất trong 2 năm.

Nguyên nhân có thể đến từ lượng dòng vốn rút ròng ra khỏi thị trường Mỹ trong thời gian gần đây và rủi ro vĩ mô lên nền kinh tế Việt Nam đã giảm đáng kể khi chỉ số CDS đã giảm mạnh từ sau khi Mỹ hoãn thuế đối ứng. Như vậy, có thể thấy đây cũng là lượng dòng tiền mới chứ không đơn thuần là dòng vốn Pnotes vì giá trị mua ròng được phân bổ ở nhiều nhóm cổ phiếu.

Ông Nguyễn Thế Minh,

Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Ông Minh cho rằng, dòng vốn vẫn tiếp tục rút khỏi thị trường cổ phiếu Mỹ trong bối cảnh định giá TTCK Mỹ ở mức cao và rủi ro kinh tế từ chính sách cho nên dòng vốn toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phân bổ sang các thị trường khác.

Như vậy, khối ngoại vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ mua ròng vào TTCK Việt Nam khi định giá của chỉ số VN-Index vẫn ở mức thấp và rủi ro vĩ mô thấp như cách mà dòng vốn toàn cầu đang dịch chuyển vào TTCK châu Âu. Tuy nhiên, dòng vốn này còn có thể chịu sự tác động từ các chính sách thuế quan.

Còn quan điểm của ông Bùi Văn Huy cho rằng dòng vốn lần này gồm hai phần chính: sự tái phân bổ về châu Á sau khi lợi thế đàm phán của khu vực này trở nên ổn định hơn giữa làn sóng địa chính trị toàn cầu; sự hiện diện của các dòng vốn P-notes hoặc quỹ phòng vệ đang tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro ở các thị trường phát triển đang tăng cao.

Thị trường đã có thể lạc quan sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp?

Một phần kỳ vọng cũng đến từ câu chuyện nâng hạng thị trường, vốn đã được nhắc đến nhiều năm qua, và dù chưa có bước tiến đột phá trong ngắn hạn, tâm lý "đón đầu" dòng vốn cơ cấu dài hạn vẫn đang được một số quỹ phản ánh trước. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng việc này không phải là sự dịch chuyển toàn diện mà vẫn nằm trong trạng thái nghi ngờ – tức là chưa đủ bền để hình thành xu hướng dòng vốn dài hạn.

Sau giai đoạn lạc quan, thị trường sẽ trở nên thận trọng

Dựa trên chỉ báo tâm lý, ông Nguyễn Thế Minh cho biết hiện có đến 71% các cổ phiếu đang trên đường trung bình 20 phiên, điều này cho thấy các nhà đầu tư đang ở giai đoạn “lạc quan quá mức” và thường thị trường sẽ bước vào giai đoạn thận trọng sau đó.

Trong khi đó, chuyên gia Bùi Văn Huy cho rằng: "Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục dao động trên vùng 1.300 điểm. Nhà đầu tư nên giữ tâm thế thận trọng, ưu tiên quản trị rủi ro hơn là chạy theo sự hưng phấn nhất thời.

Đây là giai đoạn của sự chọn lọc khắt khe theo từng doanh nghiệp, không phải giai đoạn chọn sóng ngành. Nhà đầu tư nên tập trung vào năng lực triển khai – dòng tiền thực – và khả năng chống chịu với kịch bản xấu của kinh tế toàn cầu, thay vì đi theo các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn hay kỳ vọng hồi phục chung. Cổ phiếu khỏe lúc này là những cổ phiếu có nền tảng thật, doanh thu thật – chứ không phải kỳ vọng dựa trên tài sản hoặc kế hoạch còn nằm trên giấy." - Ông Huy nhấn mạnh.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh