THACO vừa đề xuất với Thủ tướng được thay Nhà nước đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD.
CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) của tỷ phú Trần Bá Dương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, kiến nghị được tham gia đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, đã được Quốc hội thông qua và dự kiến do Nhà nước thực hiện.
Theo đề xuất mới, dự án sẽ được chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện. THACO dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trường hợp Nhà nước tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tổng vốn đầu tư của dự án giảm xuống còn 1.562.000 tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD).
Trong đó, doanh nghiệp sẽ thu xếp 20% tổng vốn, tương đương 12,27 tỷ USD, từ vốn chủ sở hữu và nguồn huy động hợp pháp khác thông qua phát hành cổ phần. Phần còn lại, khoảng 49,08 tỷ USD (chiếm 80%), sẽ được vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, THACO đề nghị Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian 30 năm, với tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình của dự án.
Dự án sẽ được triển khai và hoàn thành toàn tuyến trong vòng 7 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu ưu tiên xây dựng 2 đoạn Hà Nội - Hà Tĩnh và TP. HCM - Nha Trang; giai đoạn sau sẽ nối tiếp đoạn Hà Tĩnh - Nha Trang.
![]() |
Chủ tịch THACO - ông Trần Bá Dương |
Dự án đầy rủi ro, THACO đề xuất cơ chế gì?
THACO không phải doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xin thay Nhà nước thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trước đó, VinSpeed - doanh nghiệp mới thành lập thuộc Vingroup và gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã đề xuất thực hiện dự án này bằng nguồn vốn tự thu xếp, đồng thời kiến nghị được Nhà nước hỗ trợ.
Đáng chú ý, đại diện VinSpeed từng chia sẻ rằng dự án đường sắt cao tốc tiềm ẩn rủi ro rất cao, khi có tới 98% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới thua lỗ, chỉ 2% có lãi. Chưa kể, sau khoảng 30 năm vận hành, tuyến đường sẽ cần tái đầu tư hàng chục tỷ USD để bảo trì và nâng cấp.
Như vậy, THACO đang chấp nhận rủi ro cao và mục tiêu mà tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương hướng đến là hoàn vốn cho dự án thông qua việc đề xuất giá vé, bên cạnh đó THACO mong muốn được ưu tiên giao khai thác quỹ đất phụ cận các ga tàu để phát triển khu đô thị và dự án bất động sản theo mô hình đô thị TOD (Transit Oriented Development).
Theo tìm hiểu, tuyến đường sắt này sẽ có 23 ga hành khách, được đặt tại các trung tâm kinh tế - chính trị của các địa phương, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị hoặc vùng quy hoạch có tiềm năng, nhằm tạo ra không gian phát triển mới và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Bộ Xây dựng ước tính, tổng nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại liên quan dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, trong đó có 5 tỷ USD đến từ quảng cáo, dịch vụ và 17 tỷ USD từ đấu giá đất quanh các ga đường sắt.
“Chúng tôi cam kết phát triển các mô hình TOD một cách mẫu mực, với mức giá hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt của đại bộ phận người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, do yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, THACO đề xuất Nhà nước sẽ sở hữu một số cơ sở vật chất và đảm nhiệm một phần công việc trong quản lý, vận hành. Trong trường hợp đặc biệt vì lý do an ninh quốc gia, THACO cam kết sẽ giao Nhà nước toàn quyền sử dụng toàn bộ dự án để phục vụ đất nước” - ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO chia sẻ.
>> THACO xin làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cam kết không chuyển nhượng dự án cho nước ngoài