Các doanh nghiệp Việt như THACO, FECON, Đèo Cả đang nghiên cứu tham gia sản xuất đầu máy, toa tàu cho loạt dự án đường sắt trọng điểm, góp phần thực hiện mục tiêu nội địa hóa theo định hướng của Chính phủ.
Đường sắt Việt: Ưu tiên sản xuất trong nước, mở đường phát triển ngành công nghiệp đầu máy, toa xe
Chiều ngày 27/5/2025, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Điểm nhấn đáng chú ý là định hướng tăng cường nội địa hóa trong các dự án đường sắt, đặc biệt là ưu tiên sử dụng đầu máy, toa xe do doanh nghiệp Việt sản xuất.
Dự thảo Luật lần này đã bổ sung loạt quy định nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, cho phép đa dạng hóa hình thức đầu tư (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...). Đặc biệt, Luật đề xuất ràng buộc các nhà thầu nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực Việt, từ đó tạo nền tảng để nước ta từng bước làm chủ công nghệ và phát triển bền vững ngành công nghiệp đường sắt.
Theo đó, các gói thầu quốc tế trong dự án đầu tư đường sắt sẽ kèm điều kiện buộc nhà thầu chuyển giao công nghệ, đồng thời khuyến khích sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước. Mục tiêu là tạo thị trường đủ lớn để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ – trong đó, đầu máy, toa xe được xem là lĩnh vực chiến lược, trọng tâm.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu tự chủ đầu máy, toa xe nhằm phát triển ngành công nghiệp đường sắt một cách bền vững.
"Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Minh chứng cho quyết tâm đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 609/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, tập trung chỉ đạo các dự án đường sắt chiến lược, đồng thời tạo cú hích lớn cho doanh nghiệp trong nước.
![]() |
Ưu tiên sử dụng đầu máy, toa xe do doanh nghiệp Việt sản xuất trong các dự án đường sắt |
10 tỷ USD cho đầu máy, toa xe: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp nội
Đáng chú ý, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD, trong đó riêng chi phí sản xuất đầu máy, toa xe ước tính lên đến 10 tỷ USD. Dự án này đòi hỏi một số lượng lớn toa xe khách và toa xe hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM cũng đang mở rộng, kéo theo nhu cầu lớn về toa xe và các phương tiện chuyên dụng.
Trước cơ hội đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động nhập cuộc. Trong chuyến công tác tại Quảng Nam hồi tháng 2/2025, Thủ tướng đã đề nghị Tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tham gia sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo đầu máy.
Đáp lại, Chủ tịch THACO, tỷ phú Trần Bá Dương khẳng định: “Chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào dự án đường sắt, đặc biệt là sản xuất toa tàu và các cấu kiện thép”.
Không chỉ có THACO, đại diện Tập đoàn Đèo Cả và CTCP FECON (HoSE: FCN) mới đây cũng thống nhất phối hợp cùng các doanh nghiệp trong nước để hình thành tổ hợp liên kết sản xuất đầu máy, toa xe. Đây là bước đi phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp đường sắt và tinh thần của Nghị quyết 68 về phát huy vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước.