Theo báo cáo chiến lược mới công bố, VNDirect kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc trong nửa cuối năm, được dẫn dắt bởi các chính sách định hướng tăng trưởng như đẩy mạnh đầu tư công, chính sách tài khóa mở rộng, nới lỏng pháp lý cho các dự án bất động sản, và chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, VNDirect cũng nâng dự báo lạm phát bình quân năm 2025 lên 3,3% so với cùng kỳ (svck), từ mức 3,2% trước đó, chủ yếu do tác động từ căng thẳng địa chính trị giữa Iran và Israel khiến giá dầu tăng mạnh trở lại. Nếu xung đột kéo dài, CPI nhóm giao thông trong quý 3 có thể chịu thêm áp lực. Dù vậy, mức lạm phát này vẫn thấp hơn con số 3,6% ghi nhận trong năm 2024.
Phản ánh góc nhìn lạc quan hơn về triển vọng đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ, VNDirect kỳ vọng Việt Nam sẽ đàm phán thành công, đưa mức thuế đối ứng bình quân xuống khoảng 16-22% trong kịch bản cơ sở. Bên cạnh đó, CTCK này kỳ vọng Fed thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay, giúp chỉ số DXY duy trì dưới ngưỡng 100.
Ở trong nước, nền tảng vĩ mô vững chắc vẫn là chỗ dựa chính cho thị trường với tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,3%, tăng trưởng tín dụng 16%. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay trong khoảng 14–15%, qua đó củng cố định giá VN-Index ở mức P/E dự phóng 13,5 lần vào cuối năm.
VNDirect điều chỉnh tăng dự báo VN-Index cuối năm 2025 lên 1.450 điểm (+14% so với cuối 2024), từ mức dự báo trước đó là 1.400 điểm. Trong nửa cuối năm, VNDirect chỉ ra nhiều luận điểm đầu tư đáng chú ý như nâng hạng thị trường, cải cách thể chế, đầu tư cơ sở hạ tầng,...
Với câu chuyện nâng hạng, VNDirect kỳ vọng FTSE công bố nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ review tháng 9. CTCK này cho rằng, hưởng lợi từ nâng hạng là ngành chứng khoán và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong FTSE Vietnam Index như HPG, VIC, VCB, VNM, MSN, SSI,...
Bên cạnh đó, Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách nhằm trao quyền cho khu vực tư nhân, chuyển đổi từ tư duy quản lý sang “kiến tạo phát triển”. Các sáng kiến then chốt bao gồm nới lỏng điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp ưu đãi thuế, quyền tiếp cận đất đai và hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng như các công ty khởi nghiệp, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh năng động hơn.
Ngoài ra, giải ngân đầu tư công đang tăng tốc trong bối cảnh Chính phủ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia và mở đường cho khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.
Theo VNDirect, các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng - bán lẻ, công nghệ,… sẽ đóng vai trò then chốt trong năm 2025.