Hiện tại, giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sắp tới để tìm kiếm thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này.
Vào lúc 0 giờ 51 phút (sáng 3/7 theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 3.348,60 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn chốt phiên cũng tăng 0,3% lên 3.359,7 USD/ounce.
Ông Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập, nhận định rằng con số đáng thất vọng về tình hình việc làm tư nhân tại Mỹ - với mức giảm 33.000 việc làm và là lần sụt giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2023 - đang tạo ra một lực đẩy tích cực cho giá vàng.
Thông tin này cũng tăng khả năng Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 9/2025.
Về phía mình, Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 1/7 đã tái khẳng định lập trường kiên nhẫn đối với việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng hành động ngay trong cuộc họp tháng này, nhấn mạnh rằng mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế sắp tới.
Những phát biểu trên càng nâng tầm quan trọng của báo cáo bảng lương phi nông nghiệp hàng tháng sẽ công bố vào ngày 3/7 (theo giờ địa phương), vốn được xem là thước đo sâu hơn về sức khỏe của thị trường lao động Mỹ.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại chuyên trang về kim loại quý Kitco Metals, giải thích rằng nếu báo cáo việc làm mạnh hơn nhiều so với dự kiến, đó sẽ là một tín hiệu tiêu cực cho vàng. Lý do là vì Fed có thể sẽ không hạ lãi suất sớm hoặc với tần suất như mong đợi.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Đối với các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 36,49 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng vọt 4,6% lên 1.413,40 USD/ounce.
Tại Việt Nam, khép phiên 2/7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 118,70-120,70 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).