Cú sốc thuế quan 2025 đã khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam chệch nhịp trong tháng 4/2025 trước khi phục hồi hình chữ V ấn tượng cuối quý II/2025. Tuy nhiên, những dư âm của thuế quan vẫn ảnh hưởng tới vận động của nhóm cổ phiếu Ngân hàng.
Theo thống kê, chỉ 13/27 mã Ngân hàng có mức tăng giá vượt VN-Index trong nửa đầu năm 2025, tương đương 48,15%. Con số này phản ánh “sóng bank” trong nửa đầu 2025 chưa thực sự bùng nổ như kỳ vọng.
Theo thống kê, trong 13 cổ phiếu Ngân hàng vượt thành tích của VN-Index, chỉ có 2 mã có vốn nhà nước là MBB (+18,2%) và CTG (+10,85%) trong khi các cổ phiếu còn lại đều là các ngân hàng tư nhân.
Tăng mạnh nhất là 2 mã ngân hàng VAB (+63%) của VietABank và KLB (+53,71%) của Kienlongbank nhờ câu chuyện lên sàn. Cụ thể, VAB chuẩn bị rời UPCoM lên niêm yết trên HOSE sau khi được chính thức chấp thuận niêm yết hơn 539 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 6/2025. Hiện VAB cũng chuẩn bị tăng vốn điều lệ từ 5.400 tỷ đồng lên 8.164 tỷ đồng.
Còn KLB cũng có kế hoạch đưa cổ phiếu lên HNX trong thời gian tới. Đây là những yếu tố tạo hiệu ứng tích cực cho các ngân hàng khi đáp ứng được các tiêu chuẩn cao hơn về minh bạch cũng như thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ ETFs.
Trong khi đó, tâm điểm trên HOSE trong nửa đầu năm đầu năm thuộc về các cổ phiếu: TCB (Techcombank) tăng 38,74%, STB (Sacombank) tăng 26,56%, SHB tăng 45% trong đó TCB và STB vẫn đang liên tục lập kỷ lục giá.
Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16,4% trong năm 2025 và lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng trưởng 14,4% lên 31.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tâm điểm hoạt động của Techcombank là việc IPO công ty chứng khoán TCBS – đơn vị con đang giữ vị trí số 1 trong ngành ở hàng loạt tiêu chí như vốn điều lệ, quy mô margin và tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Câu chuyện về định giá TCBS đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi đã xuất hiện một số giao dịch OTC phản ánh vốn hóa TCBS có thể lên đến 4 tỷ USD, vượt xa tất cả các tên tuổi của ngành Chứng khoán như SSI, HCM, VCI.
Thực tế, từ năm 2022, ban lãnh đạo của Techcombank đã đặt kế hoạch IPO cho TCBS với mục tiêu đạt vốn hóa 5 tỷ USD, lợi nhuận 5.000 tỷ đồng và 5 triệu khách hàng vào năm 2025.
Còn với Sacombank, ngân hàng đang ở chặng cuối của quá trình tái cơ cấu gần 1 thập kỷ. Hàng loạt biến động nhân sự cấp cao đã được ghi nhận trong thời gian gần đây. Nút thắt còn lại trong quá trình còn lại chỉ là việc chuyển giao 32,5% cổ phần phong tỏa tại VAMC cho nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính.
Với SHB là những kỳ vọng về sự phát triển kinh tế tư nhân mà Chính phủ và Bộ Chính trị đã xác lập qua Nghị quyết 68. Với tham vọng vươn mình của dân tộc, SHB đang đóng vai trò là định chế tài chính hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tham gia vào các chính sách lớn – từ phát triển xanh, chuyển đổi số cho đến nâng tầm doanh nghiệp tư nhân.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh trong nửa đầu năm 2025, dẫn đầu là HDB (-14,51%), TPB (-13,34%), VCB (-6,56%), PGB (-4,93%), VIB (-3,43%) và BID (-3,33%). Trong đó, HDB, VCB và BID từng liên tục thiết lập đỉnh mới, nhưng hiện tại vẫn chưa hòa nhịp vào sự hồi phục của chỉ số.
Đáng chú ý, vai trò “dẫn dắt” thị trường của VCB và BID – hai ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối – vẫn chưa thực sự rõ nét bất chấp VN-Index đang nỗ lực vượt đỉnh 3 năm. Dòng tiền vẫn đang tỏ ra thận trọng với các mã trụ này, đặc biệt sau cú sốc thuế quan hồi tháng 4/2025 khiến xu hướng tăng giá bị chững lại.
Tâm lý thị trường kém tích cực phần nào xuất phát từ cấu trúc hoạt động kinh doanh của VCB, với tỷ trọng đáng kể đến từ mảng thương mại – trong đó khoảng 10% tín dụng nằm ở khu vực FDI và 20% thị phần thuộc về mảng tài trợ thương mại/thanh toán quốc tế. Do vậy, các biến động về thuế quan có thể ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng này.
Còn với BIDV, ước tính tổng dư nợ khách hàng bị tác động bởi thuế quan lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của ngân hàng. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng bao gồm sản xuất thép, nhựa, cơ khí, thuỷ sản, dệt may, logistics và bất động sản khu công nghiệp.
Dù vậy, với nền tảng vững chắc và vai trò trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia, VCB và BID vẫn được kỳ vọng sẽ sớm vượt qua khó khăn và lấy lại vị thế dẫn dắt. Đặc biệt, các kế hoạch tăng vốn lớn đang được xúc tiến.
BIDV đã được thông qua kế hoạch phát hành tối đa 269,8 triệu cổ phiếu, tương đương 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành, thông qua hình thức chào bán riêng lẻ và/hoặc ra công chúng.
Trong khi đó, Vietcombank cũng dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 6,5% cổ phần, tương đương hơn 543 triệu cổ phiếu cho không quá 55 nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư chiến lược và chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá lên tới hơn 5.400 tỷ đồng.
Vừa qua, vào ngày 27/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, mở ra kỳ vọng lớn cho hệ thống ngân hàng trong việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu và nâng cao vai trò điều phối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn.
Theo đánh giá từ VIS Rating, điểm đáng chú ý nhất trong luật sửa đổi là việc khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) trong trường hợp tài sản không có tranh chấp và không bị kê biên hình sự – một cơ chế từng phát huy hiệu quả dưới Nghị quyết 42 giai đoạn 2017–2023. Trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực, quy mô nợ xấu được xử lý hàng tháng tăng đến 65%, tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ cũng cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực cuối năm 2023, quá trình thu hồi TSBĐ trở nên phức tạp và tốn thời gian, khiến chi phí xử lý nợ tăng mạnh.
Luật mới cũng trao quyền cho NHNN cấp các khoản vay đặc biệt với lãi suất 0% cho các tổ chức tín dụng gặp khó, từ đó giúp can thiệp sớm và giảm thiểu rủi ro lan rộng trong hệ thống tài chính. Việc này hứa hẹn rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản và giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng.
Những ngân hàng có hoạt động bán lẻ mạnh như ACB, HDB, OCB, VIB, VPB và MBB – vốn đang chịu áp lực từ các khoản vay thế chấp nhà ở và hộ kinh doanh – sẽ hưởng lợi đáng kể. Đặc biệt, sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2025 sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho việc xử lý tài sản bảo đảm, qua đó cải thiện khả năng sinh lời.
Chia sẻ thêm về tác động của luật, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Nghiên cứu FIDT nhận định: "Việc kéo dài và sửa đổi Nghị quyết 42 sẽ tạo ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản. Khi nợ xấu được xử lý hiệu quả hơn, các ngân hàng sẽ có thêm nguồn vốn để cho vay, từ đó thúc đẩy dòng tiền vào nền kinh tế và hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán".