Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua chuỗi tăng điểm liên tiếp trong 3 phiên đầu tuần nhờ thông tin tích cực về đàm phán thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ với mức thuế đối ứng “dễ thở” hơn cho Việt Nam. Một số nhóm ngành liên quan tới xuất khẩu như thủy sản, dệt may tăng điểm ấn tượng.
Đây là một thành công của Việt Nam khi là nước thứ ba kịp đạt một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ trước thời hạn chót 9/7, tránh được mức thuế đối ứng 46%. Mức thuế 20% được coi là tương đối ưu đãi ở thời điểm hiện tại so với các nước khác, từ đó giúp duy trì sức cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam.
Đồng thời, thỏa thuận này giúp giảm bất định và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và FDI tại Việt Nam linh hoạt điều chỉnh chiến lược phù hợp với tình hình mới. Cổ phiếu Nike tăng 3,6%, Under Armour tăng 2,3%, sau thông tin về thỏa thuận, cho thấy phản ứng tích cực của nhà đầu tư nước ngoài đối với kết quả đàm phán sơ bộ này.
Thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên ngày thứ 5 khi “hiệu ứng tin ra” thúc đẩy hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Tuy vậy, thị trường sớm lấy lại đà tăng điểm trong phiên cuối tuần với lực đẩy của nhóm cổ phiếu công nghệ. Đồng thời, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có một tuần giao dịch tích cực nhờ kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường. Khối ngoại cũng là điểm sáng trong tuần qua khi ghi nhận giá trị mua ròng lớn trong ba phiên cuối tuần.
Chốt tuần, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,1%. Bước sang tuần giao dịch tới, thị trường sẽ dần chuyển hướng sự chú ý đến bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.
Về xu hướng thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect duy trì nhận định chỉ số Vn-Index đang trong xu thế tăng ngắn hạn hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.400 điểm.
Với bối cảnh vĩ mô tích cực khi tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 có thể đạt mức cao nhất trong gần 20 năm qua, xấp xỉ 7,5-7,6%, xuất khẩu 6 tháng tăng khoảng 14,4%, tổng mức đầu tư toàn xã hội 6 tháng tăng 9,8%, FDI thực hiện 6 tháng tăng 8,1% và đặc biệt là tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 26/6 đạt 8,3%, thì bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 của thị trường sẽ có nhiều gam màu sáng.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư có thể tranh thủ các phiên rung lắc, điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục đầu tư, gia tăng tỷ trọng các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 như ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng và bán lẻ.
Về định giá, theo chứng khoán MBS, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 14,1 lần, thấp hơn trung bình 3 năm (15,1) lần 1 độ lệch chuẩn và cũng thấp hơn trung bình 5 năm (15,6 lần), là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.
Chuyên gia phân tích của MBS cũng cho rằng việc Việt Nam đạt được thỏa thuận sớm trước thời hạn được xem là lợi thế khi kết thúc “hiệp 1” và diễn biến trong “hiệp 2” ở tuần này khả năng sẽ định hình lợi thuế của Việt Nam đối với các nước trong khu vực cũng như các đối thủ cạnh tranh.
Thị trường trong nước đã có phản ứng tích cực với mức thuế 20%, thanh khoản có phiên bùng nổ gần 39.000 tỷ đồng, cao nhất 3 tháng, bên cạnh đó là khối ngoại mua ròng mạnh hơn 4.000 tỷ đồng ở 2 phiên cuối tuần. Phiên thứ 2 đầu tuần (7/7), thị trường sẽ đón nhận lượng hàng 39.000 tỷ đồng về tài khoản trong phiên chiều và đó sẽ là tín hiệu kiểm tra sức mạnh của dòng tiền ở thời điểm này.
Đối với tuần mua ròng khá tích cực của khối ngoại, đây có thể là hoạt động mang tính cơ cấu danh mục hơn là dòng tiền đầu cơ khi dòng vốn qua các quỹ ETF vẫn ghi nhận bán ròng trong tuần vừa qua dù tổng mức mua ròng toàn thị trường hơn 5.000 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang có lợi thế khi có tới 4 cổ phiếu góp mặt trong Top 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tuần vừa qua. Sau thông tin về thuế quan, loạt dữ liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm cũng đã được công bố với nhiều tín hiệu tích cực từ mức tăng trưởng GDP ngoạn mục ngược dòng thách thức toàn cầu. Trong bối cảnh các thông tin hỗ trợ then chốt gần như đã được công bố, phía trước là mùa báo cáo bán niên. Do vậy, khả năng thị trường sẽ đi vào giai đoạn phân hóa theo thông tin kết quả kinh doanh.
Hiện tại, nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình (Midcap) đang có lợi thế dù vẫn còn cách đỉnh 12% so với nhóm Bluechips (VN30) chỉ còn cách đỉnh chưa đầy 5%.
Ở nhóm Vingroup, dòng tiền ròng đã có dấu hiệu giảm 6 tuần liên tiếp, bên cạnh đó mức tập trung vốn cũng giảm từ tỷ trọng 8% toàn thị trường về còn 3,2% ở tuần vừa qua. Đây đang là lực cản chính đối trong bối cảnh thị trường gặp cản ở vùng 1.400 điểm.
Trong kịch bản cơ bản: thị trường có sự phân hóa, chỉ số Vn-Index dao động trong biên độ hẹp dưới ngưỡng 1.400 điểm, nhóm Midcap có lợi thế. Khả năng phiên đầu tuần (7/7) sẽ có rung lắc trong phiên chiều khi lượng hàng lớn về tài khoản, trong kịch bản điều chỉnh, chỉ số Vn-Index có thể kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.360 điểm.
Ngoài mùa báo cáo bán niên sắp tới, thị trường đang kỳ vọng khối ngoại quay lại mua ròng và thị trường nâng hạng. Do vậy, một số nhóm cổ phiếu sẽ được dòng tiền quan tâm như: Chứng khoán, Ngân hàng, Bán lẻ, Thực phẩm, Thép, Viettel, Thủy sản, Bảo hiểm...