Tin thị trường

Bỏ room tín dụng: Vì sao không thể “vội vàng”?

Nhịp sống kinh doanh -
16/07/2025
Bỏ room tín dụng: Vì sao không thể “vội vàng”?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Tại Công điện 104 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Đây là một tín hiệu quan trọng, đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy điều hành chính sách. Theo đó, thay vì áp đặt hạn mức cứng, định hướng mới sẽ dựa trên nguyên tắc thị trường và khả năng quản trị rủi ro của từng tổ chức tín dụng. Hướng đi này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, mở rộng dư địa tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bước chuyển này không nên được nhìn nhận như một cú xoay trục chóng vánh, mà cần được thực hiện từng bước, lộ trình có kiểm soát và dựa trên bộ tiêu chí an toàn rõ ràng.

Bài học từ các giai đoạn tín dụng tăng nóng trong quá khứ, đặc biệt giai đoạn 2008–2010, cho thấy việc nới lỏng quá nhanh mà thiếu các rào chắn kỹ lưỡng có thể dẫn đến hệ quả nợ xấu tăng cao, dòng vốn bị chệch hướng. Bối cảnh hiện nay càng đòi hỏi sự thận trọng khi lạm phát toàn cầu chưa hoàn toàn được kiểm soát và mặt bằng lãi suất đang có dấu hiệu đảo chiều. Một cú sốc lãi suất, nếu xảy ra trong lúc tín dụng tăng trưởng thiếu kiểm soát, có thể nhanh chóng tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của cả doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, đây là một vấn đề rất phức tạp, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo chuyên gia, về lâu dài, việc tiến tới bỏ room tín dụng là đúng đắn để thị trường vận hành đầy đủ. Tuy nhiên, khi chúng ta bỏ một công cụ quản lý thì phải có một công cụ khác hiệu quả để thay thế. Với thực trạng nền kinh tế và hệ thống ngân hàng hiện nay, việc tìm ra một công cụ thay thế hoàn hảo ngay lập tức là chưa khả thi.

Theo các chuyên gia để triển khai gỡ bỏ room tín dụng một cách hiệu quả phải có một lộ trình với những điều kiện cụ thể. (Ảnh minh họa)

Quảng cáo

Theo TS. Độ, nếu vội vàng bỏ room tín dụng, sẽ có một số rủi ro lớn cần lường trước. Thứ nhất là áp lực lạm phát. Không còn hạn mức tăng trưởng, một số ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, từ đó có thể tạo ra một cuộc đua về lãi suất, đồng thời, một lượng tiền lớn được bơm ra nền kinh tế và gây áp lực lên lạm phát.

Thứ hai là nợ xấu. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức rất cao, khoảng 134% vào cuối năm 2024. Tổng nợ xấu (tính cả nợ đang nằm tại VAMC) chiếm khoảng 6% tổng dư nợ. Theo TS. Độ, nếu tiếp tục đẩy mạnh tín dụng một cách thiếu kiểm soát, nguy cơ nợ xấu gia tăng là rất lớn.

Thứ ba là rủi ro đạo đức. Theo chuyên gia, cơ chế thị trường đầy đủ phải có hai mặt: một là tự do kinh doanh, hai là phải chịu kỷ luật thị trường. Ở Việt Nam, gần như chưa có trường hợp ngân hàng phá sản, điều này có thể tạo ra rủi ro đạo đức khi các ngân hàng có thể chấp nhận rủi ro cao hơn.

Những điều kiện cần và đủ

Chia sẻ tại tọa đàm “Gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng – Lộ trình phù hợp, phát triển bền vững” trên VTV Index, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nếu bỏ room một cách đột ngột thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tính hiệu quả của chính sách tiền tệ. Bởi vì từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ yếu thông qua room tín dụng và cũng góp phần tạo ra những điểm tích cực trong việc điều hành chính sách và tăng được hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, cần phải nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ thông qua công cụ thị trường, chủ yếu là 3 công cụ là nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu. Khi công cụ này đã chủ động được rồi và nó đã điều tiết tốt nền kinh tế thì có thể cân nhắc bỏ room tín dụng.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, để triển khai gỡ bỏ room tín dụng một cách hiệu quả phải có một lộ trình với những điều kiện cụ thể.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là nợ xấu phải giảm về mức an toàn, không thể nới lỏng kiểm soát khi hệ thống còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng một hệ thống giám sát tài chính theo thời gian thực, áp dụng công nghệ thông tin, AI để có thể nhanh chóng phát hiện các sai phạm hoặc rủi ro của từng ngân hàng.

Một điều kiện quan trọng khác là cần phải có những chế tài mạnh mẽ, rõ ràng đối với các vi phạm, và phải chấp nhận quy luật của thị trường. Và cuối cùng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các ngân hàng trung ương như Fed hay ECB có tính độc lập rất cao. Để kiểm soát lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước cần được chủ động hơn trong thực hiện các chính sách để có thể kiểm soát cung tiền và lãi suất một cách hiệu quả.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh