Tin thị trường

Chịu tác động từ nhóm Vingroup, thị trường rung lắc mạnh cuối phiên

Nhịp sống kinh doanh -
21/07/2025
Chịu tác động từ nhóm Vingroup, thị trường rung lắc mạnh cuối phiên

Định vị thị trường

Bối cảnh chứng khoán châu Á vẫn đang chứng kiến sự tích cực với nhiều chỉ số tăng điểm như KOSPI (+0,71%), SET (+0,3%), HSI (+0,68%), STI (+0,37%) trong phiên đầu tuần.

Còn thị trường chứng khoán vừa trải qua 5 tuần tăng điểm liên tiếp. Chỉ số đã chịu rung lắc phiên cuối tuần trước và tiếp tục xuất hiện rung lắc khi có những nỗ lực vươn qua mốc 1.500 điểm từ phiên sáng. Nhóm Vingroup với các động thái chốt lời mạnh cuối phiên đã khiến cho chỉ số VN-Index không thể đóng cửa trong sắc xanh bất chấp vẫn có sự hỗ trợ của Ngân hàng.

Chất xúc tác

Thống kê cho thấy, tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục những động thái bơm ròng. Cụ thể, đã có 58.414,59 tỷ đồng bơm ra thị trường trong tuần qua qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 148.015,59 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 6.999,8 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Điều này cho thấy nhà điều hành vẫn đang mạnh tay hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống để thúc đẩy tăng trưởng chung cho nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2025.

Quảng cáo

Còn với nhà đầu tư nước ngoài, các phiên mua/bán ròng đang đan xen nhau nhưng tổng thể khối này vẫn đang giải ngân mạnh tay từ đầu tháng 7.

Trong phiên đầu tuần, khối ngoại đã quay lại mua ròng nhẹ trở lại sau 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 175 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu như VPB (+221 tỷ đồng), VIC (+77,2 tỷ đồng), SSI (+68,4 tỷ đồng), NVL (+66 tỷ đồng), SHB (+64,43 tỷ đồng).

Các diễn biến thuận lợi từ khối ngoại và Ngân hàng Nhà nước giúp cho thanh khoản của HOSE tiếp tục chứng kiến sự sôi động. Theo thống kê, khớp lệnh của HOSE đã có phiên thứ 14 liên tiếp duy trì trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên cuối tuần trước, khớp lệnh giảm gần 5% xuống 1,389 tỷ đơn vị.

Vận động thị trường

Sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp, nhà đầu tư đã thể hiện sự nhạy cảm và thận trọng. Đặc biệt, các cổ phiếu rất dễ biến động theo sự rung lắc được tạo ra từ nhóm Bluechips. Điều này đã được thể hiện từ phiên thứ Sáu tuần trước.

Sang đến phiên đầu tuần, tâm lý thận trọng đã khiến cho thị trường ít xuất hiện các cổ phiếu tăng hưng phấn khi VN-Index có thêm nỗ lực vươn lên trên 1.500 điểm.

Những trường hợp cá biệt xuất hiện ở một số mã như HVN (+6,9%) GEX (+4,72%), EVF (+5,33%), PAC (+6,96%), ITC (+6,92%) trong đó HVN tăng đột biến nhờ sự kiện chốt quyền phát hành tăng vốn thêm 9.000 tỷ đồng. Còn lại phần lớn các mã khác thể hiện rõ sự nhạy cảm.

Ngay khi các mã Vingroup gặp áp lực cuối phiên với VIC (-5,9%), VHM (-4,2%) cùng giảm trên 4%, nhiều cổ phiếu đã giảm theo như DXG (-2,83%), DIG (-2,19%), PDR (-2,68%), DBC (-2,37%), FTS (-2,66%), GEE (-6,7%), BSI (-3,29%), TCH (-1,84%), KDH (-2,59%)…

Tổng cộng, toàn HOSE đã ghi nhận gần 55% mã giảm giá. Dù vẫn nhận được sự nâng đỡ của VPB (+4,4%), SHB (+2,8%), LPB (+2,6%) nhưng là chưa đủ để thị trường giữ lại sắc xanh và mốc 1.500 điểm. Chỉ số VN-Index giảm 12,23 điểm xuống 1.485,05 điểm (-0,82%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 34.602 tỷ đồng, tương đương 1,455 tỷ đơn vị.

2 chỉ số còn lại cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ: HNX-Index giảm 0,85% còn UPCoM-Index giảm 0,45%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.800 tỷ đồng.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh