
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch có phần mờ nhạt với trạng thái trái chiều của các chỉ số. TWSE (-1,51%), SET (-1,14%) cùng giảm trên 1% còn KLSE (-0,32%), STI (-0,16%) giảm nhẹ. Ngược lại, NIFTY 50 (+0,01%), HSI (+0,37%), SHCOMP (+0,62%) tăng điểm nhẹ.
Còn thị trường chứng khoán Việt Nam lại đánh dấu cột mốc mới khi lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 1.500 điểm trong vòng 3 năm trở lại đây. Rung lắc nhẹ chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu phiên và phần còn lại là những nỗ lực tăng tốc để chốt phiên tại mức cao nhất 1.509,54 điểm.
Chất xúc tác
Những yếu tố hậu thuẫn thị trường thực tế vẫn đang được duy trì. Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang tiếp nối các động thái bơm ròng. Ngày hôm qua, NHNN đã bơm ròng 8.203,86 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Có 151.219,55 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 1.999,9 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Trong khi đó, khối ngoại lại có những xáo trộn về số liệu giao dịch do xuất hiện thỏa thuận bán ròng đột biến tại cổ phiếu VJC (-1.986 tỷ đồng). Nếu không có giao dịch cá biệt từ VJC, khối ngoại đã có một phiên mua ròng nhẹ. Theo thống kê, tổng giá trị bán ròng trên HOSE đạt 1.876 tỷ đồng.
Thanh khoản của HOSE có phiên thứ 15 liên tiếp duy trì trên mức bình quân 20 phiên. Tuy nhiên, so với phiên đầu tuần, khớp lệnh của HOSE đã giảm hơn 12% xuống 1.227 triệu đơn vị.
Vận động thị trường
Dù xuất hiện giao dịch thỏa thuận đột biến từ khối ngoại, cổ phiếu VJC (+6,9%) thực tế còn tăng kịch trần cho thấy, cầu nội vẫn có tiềm lực. VJC đồng thời cũng lọt vào Top 6 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường.
Trong khi đó, những mã VIC (+4,9%), VHM (+3,8%), VCB (+1,5%), BID (+2,1%) đã xuất hiện cùng VJC để giúp thị trường vượt qua những rung lắc đầu phiên và kéo mạnh về cuối phiên giao dịch.
Trạng thái tăng giá trở lại của VIC và VHM giúp xoa dịu nỗi lo điều chỉnh lên thị trường. Tuy nhiên, 2 trường hợp của VCB và BID mới đáng chú ý hơn bởi những vận động có phần mờ nhạt kể từ sau cú sốc thuế quan.
Hiện cả VCB và BID đều vẫn chưa trở lại mặt bằng giá trước khi xảy ra nhịp "sập" nhưng nếu duy trì được động lực tăng giá thì sẽ giúp thị trường có sự lan tỏa đồng đều hơn ở nhóm Bluechips.
Với sự góp mặt của những trụ cột thị trường, hàng loạt cổ phiếu ở nhóm Midcap và Penny đã cùng phản ứng tích cực. Tại nhóm Chứng khoán, VIX, CTS tăng trần còn HCM (+3,27%), VCI (+2,71%), FTS (+1,75%) tăng giá theo.
Nhóm Bất động sản có các mã DXG (+3,2%), DXS (+3,2%), HHS (+2,9%), NVL (+2,4%) tăng trên 2%. Còn các nhóm Năng lượng, Cảng biển, Nông nghiệp ghi nhận GEX, VSC, PAN tăng trần.
Với mức đóng cửa cao nhất phiên, VN-Index đã có lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 1.500 điểm sau 3 năm. Chỉ số tăng 24,49 điểm lên 1.509,54 điểm (+1,65%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 33.299 tỷ đồng, tương đương 1.281 triệu đơn vị.
Trong khi đó, 2 sàn còn lại đóng cửa trái chiều: HNX-Index tăng 0,84% còn UPCoM-Index giảm 0,24%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.700 tỷ đồng.