Hàng loạt ngân hàng tinh gọn bộ máy
Báo cáo tài chính quý II/2025 vừa công bố cho thấy, ngân hàng Lộc Phát - LPBank đã cắt giảm 367 nhân sự chỉ trong 3 tháng, nâng tổng số lao động tinh gọn trong 12 tháng qua lên 2.900 người, tương đương mức sụt giảm tới 24%. Một con số gây chú ý khi so với quy mô nhân sự của nhà băng này trước đó.
Không chỉ LPBank, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang chứng kiến sự co hẹp mạnh mẽ về lực lượng lao động. Trong quý I/2025, Sacombank giảm 930 nhân viên, xuống còn 16.128 nhân viên, tương đương giảm 5,45% so với cuối năm 2024. Trước đó, trong suốt năm 2024, nhà băng này cũng duy trì xu hướng cắt giảm dần qua từng quý, từ 17.412 nhân viên xuống còn 17.058.
Tương tự, VIB ghi nhận mức giảm 495 người (4,37%) trong quý I/2025 và tổng cộng 750 người (6,47%) trong một năm qua tính đến cuối quý I/2025. TPBank cũng không nằm ngoài xu thế khi tinh gọn 124 nhân sự trong 3 tháng đầu năm, tương đương 1,57%.
Số hóa thúc đẩy tái cấu trúc nhân sự
Nguyên nhân chính của làn sóng này đến từ nhu cầu tối ưu hóa chi phí và tăng hiệu quả hoạt động nhờ số hóa. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ông Vũ Văn Tiền – Phó Chủ tịch HĐQT ABBank – nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang tiến hành tinh giảm bộ máy mạnh mẽ, có những bộ phận giảm 30-40% để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.”
Ông Tiền cũng chia sẻ, ABBank đã đầu tư mạnh vào hệ thống công nghệ suốt nhiều năm qua, song song với việc giao việc kèm chỉ tiêu buộc nhân sự sử dụng công nghệ hiệu quả hơn. Ông thẳng thắn nhìn nhận: “Trước đây, các dự án được tư vấn dù tốn kém nhưng chưa thành công do thiếu phân công rõ ràng. Hiện tại, từng cá nhân phải năng động và chịu trách nhiệm với công việc được giao.”
Trong khi đó, TPBank đẩy mạnh tự động hóa bằng việc đưa hàng trăm robot vào thay thế các tác vụ lặp đi lặp lại tại các bộ phận vận hành, giao dịch. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Hưng, điều này giúp nhân sự chuyển từ những công việc thủ công sang các nhiệm vụ đòi hỏi sáng tạo và giá trị gia tăng cao hơn.

Điểm đáng chú ý là song song với việc tinh gọn nhân sự truyền thống, các ngân hàng vẫn tăng cường tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là bước “chuyển mình” để đáp ứng yêu cầu phát triển ngân hàng số, chứ không phải dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng lao động.
Từ các khảo sát khách hàng trong ngành ngân hàng, Vietnam Report nhận định, số lượng phòng giao dịch giờ đây không còn là thước đo phản ánh mức độ phủ sóng hay sức cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường, thay vào đó, chỉ số lượng giao dịch trực tuyến mới là thước đo quan trọng thể hiện khả năng tiếp cận và phục vụ khách hàng trong kỷ nguyên số. Do đó, điều tất yếu là số lượng phòng giao dịch sẽ được tinh gọn, kéo theo cắt giảm nhân sự, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Việc cắt giảm nhân sự phản ánh sự dịch chuyển trọng tâm trong chiến lược phát triển của các ngân hàng từ mở rộng mạng lưới vật lý sang tối ưu hóa nền tảng số, giảm phụ thuộc vào nguồn lực lao động truyền thống, đồng thời tập trung vào tuyển dụng các vị trí chiến lược như phân tích dữ liệu, phát triển sản phẩm số, quản trị rủi ro công nghệ và an ninh mạng.
Bên cạnh đó, việc giảm nhân sự cũng góp phần kiểm soát chi phí hoạt động, giúp các ngân hàng duy trì và cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Làn sóng số hóa và tinh giản nhân sự trong ngành ngân hàng không chỉ là hiện tượng tại Việt Nam mà còn phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao để đảm bảo chất lượng dịch vụ không bị ảnh hưởng khi giảm nhân sự, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh bằng công nghệ và con người phù hợp với xu thế mới.
Sự chuyển dịch này đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo lại lực lượng lao động, giúp họ thích ứng với vai trò mới trong môi trường số hóa – nơi công nghệ là công cụ, còn con người vẫn là trung tâm.