Các loại chứng khoán phái sinh ở Việt Nam

- 2019/01/24 16:06:26


Các loại chứng khoán phái sinh ở Việt Nam là gì? Những điểm cần lưu ý khi tham gia vào chứng khoán phái sinh ở Việt Nam? Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên qua bài viết dưới đây.

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

1.1 Khái niệm chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh (CKPS) là công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở, nhằm mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận và tạo lợi nhuận...

Khái niệm chứng khoán phái sinh là gì?

Khái niệm chứng khoán phái sinh là gì?

CKPS có dạng hợp đồng tài chính, quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại... hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất...

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

  • Hợp đồng kỳ hạn
  • Hợp đồng tương lai
  • Hợp đồng quyền chọn
  • Hợp đồng hoán đổi

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam.

1.2 Định nghĩa các loại chứng khoán phái sinh

Để hiểu rõ hơn về định nghĩa của các loại hợp đồng chứng khoán phái sinh và đặc điểm của từng loại, chúng ta sẽ cùng theo dõi bảng mô tả dưới đây:

Tên

Định nghĩa

Hợp đồng kỳ hạn (HĐKH)

Là một thoả thuận mua bán thực hiện một giao dịch hàng hoá với khối lượng xác định, tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá đã được ấn định.

Hàng hoá ở đây có thể là bất kỳ thứ hàng hoá nào: từ nông sản, tiền tệ cho tới các chứng khoán…

Hợp đồng tương lai (HĐTL)

Hợp đồng tương lai là thỏa thuận giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá và khối lượng được xác định trước. Hợp đồng được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên thị trường tập trung.

HĐTL bao gồm: HĐTL chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) cùng HĐTL trái phiếu chính phủ. Hiện nay, theo chỉ định của chính phủ, để hạn chế rủi ro, Việt Nam sẽ áp dụng thử nghiệm đối với HĐTL chỉ số VN30.

Hợp đồng quyền chọn (HĐQC)

Hợp đồng cho phép nhà đầu tư có quyền mua bán một tài sản cơ sở với mức giá ấn định trước đó hoặc mức giá được xác định trong tương lai. Công cụ này giúp nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại cho mình khi giá cổ phiếu có rủi ro.

Hợp đồng hoán đổi (HĐHĐ)

Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

2. Các loại chứng khoán phái sinh ở Việt Nam

Thị trường chứng khoán phái sinh là một thị trường còn khá mới lạ đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2018, ở thị trường Việt Nam mới chỉ có sản phẩm triển khai HĐTL chỉ số VN30 là được chuẩn hoá thành sản phẩm. Vậy HĐTL có ưu điểm gì đối với thị trường CKPS?

2.1 Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30

Đây là một trong các loại chứng khoán phái sinh ở Việt Nam chính thức được niêm yết và giao dịch. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên được lựa chọn cho HĐTL.

VN30 là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch

VN30 là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch

Chỉ số VN30 là gì?

Chỉ số VN30 là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, có vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất cùng các yếu tố kỹ thuật khác, chiếm 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Ngoài ra chỉ số VN30 đã được điều chỉnh để tính toán dựa trên tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do có điều chỉnh, đồng thời có giới hạn quy mô vốn hóa tối đa (10%) của mỗi cổ phiếu trong rổ.

Thông số HĐTL chỉ số VN30

Bảng thông số dưới đây sẽ mô tả các tiêu chí cần biết khi tham gia giao dịch đối với một HĐTL VN30:

Mô tả

Hợp đồng tương lai VN30

Tên hợp đồng

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Mã hợp đồng

VN30F

Tài sản cơ sở

Chỉ số VN30

Hệ số nhân

100.000 đồng

Quy mô hợp đồng

100.000 đồng x điểm chỉ số cơ sở

Tháng đáo hạn

Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo

Phương thức giao dịch

Khớp lệnh & thỏa thuận

Thời gian giao dịch

Phiên ATO: 8h45’ – 9h00’

Phiên liên tục sáng: 9h00’ – 11h30’

Phiên liên tục chiều: 13h00’ – 14h30’

Phiên ATC: 14h30’ – 14h45’

Biên độ giao động giá

± 7%

Bước giá

0,1 điểm chỉ số (tương đương 10.000 đồng)

Đơn vị giao dịch

01 Hợp đồng

KLGD tối thiểu

01 Hợp đồng

Ngày GD cuối cùng

Ngày Thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn

Ngày thanh toán cuối cùng

Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng

Phương thức thanh toán

Thanh toán bằng tiền

Phương pháp xác định giá thanh toán cuối cùng

Giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng của Hợp đồng tương lai.

Giá tham chiếu

Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết (trong ngày giao dịch đầu tiên)

Ưu điểm HĐTL chỉ số VN30

  • Công khai minh bạch: HĐTL hoạt động trong khuôn khổ pháp lý, đầy đủ các quy chế quy trình. Đảm bảo cho việc niêm yết, giao dịch, bù trừ thanh khoản. Điều này giúp cho thị trường có thể hoạt động một cách công khai, minh bạch và an toàn.
  • Giao dịch dễ dàng, thuận tiện, cho phép giao dịch T0: Giao dịch HĐTL tương tự như giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể đặt lệnh mua - bán các loại hợp đồng tương lai dựa vào dự đoán về thị trường để thu về lợi nhuận.
  • Cơ hội kiếm lời khi thị trường CK giảm điểm: Nhà đầu tư có thể tham gia vào vị thế bán hợp đồng tương lai bất kỳ lúc nào với điều kiện duy nhất cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia hợp đồng. Khi chỉ số giảm đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận từ giao dịch bán hợp đồng tương lai của mình.
  • Đòn bẩy cao mà không mất phí vay Margin: sự hấp dẫn chủ yếu của phái sinh nằm ở mức sinh lời rất cao. Với mức đòn bẩy cao, khiến cho số lãi nhận được có thể lớn hơn nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu dự đoán của nhà đầu tư không chính xác, sẽ gây ra tổn thất và thiệt hại. Chính vì thế, nhà đầu tư cần theo dõi thị trường chặt chẽ khi nắm giữ hợp đồng tương lai.

2.2 Sản phẩm đang triển khai - HĐTL trên trái phiếu chính phủ

HĐTL trái phiếu chính phủ là gì?

HĐTL trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP) là loại hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là một trái phiếu chính phủ. Tương tự như các loại hợp đồng tương lai khác, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là công cụ được giao dịch trên một sở giao dịch tập trung với những điều khoản chuẩn hóa. Các yếu tố chuẩn hóa đó về cơ bản được nêu chi tiết trong bản mô tả đặc tính của hợp đồng.

Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phù mới đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai

Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phù mới đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai

Được biết, đối với HĐTL TPCP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cần thêm một khoảng thời gian để vận hành thị trường CKPS ổn định trước khi chính thức triển khai sản phẩm này.

Thông số HĐTL trên trái phiếu chính phủ

Mô tả

HĐTL Trái phiếu chính phủ

Tên hợp đồng

Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ 05 năm

Tài sản cơ sở

Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.

Tháng đáo hạn

03 tháng cuối 03 quý gần nhất

Bước giá

1,0 (tương đương 10.000 đồng)

Quy mô hợp đồng Tỷ lệ ký quỹ theo quy định VSD

1.000.000.000 đồng

Giới hạn vị thế

Theo quy định của VSD

Biên độ giao động giá

± 3% so với giá tham chiếu

Ngày giao dịch cuối cùng

Ngày 15 của tháng đáo hạn hoặc ngày giao dịch liền trước nếu ngày 15 là ngày nghỉ

Giá thanh toán hàng ngày

Theo quy định của VSD

Giá thanh toán cuối cùng

Giá thanh toán cuối ngày tại ngày giao dịch cuối cùng

Ngày thanh toán cuối cùng

Ngày làm việc thứ ba kể từ ngày giao dịch cuối cùng

Phương thức thanh toán

Chuyển giao vật chất

2.2.3. Ưu điểm của sản phẩm:

  • TPCP là một loại chứng khoán an toàn, có độ rủi ro thấp hơn so với các loại chứng khoán khác nhưng có quy mô giao dịch rất lớn và cần tính chuyên nghiệp cao.
  • Thu hút được nhiều nhà đầu tư: HĐTL TPCP còn được gọi là HĐTL lãi suất dài hạn, do đó HĐTL TPCP không chỉ thu hút các ngân hàng thương mại nắm giữ, mà còn thu hút cả những nhà đầu tư trong và ngoài nước.
  • Phòng ngừa rủi ro: nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro giá trị trái phiếu bị giảm khi lãi suất tăng bằng cách bán HĐTL TPCP, nhà đầu tư có ý định mua trái phiếu nhưng lo sợ giá trái phiếu sẽ tăng cũng có thể phòng ngừa bằng cách mua HĐTL TPCP.
  • Kích thích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

2.3 Sản phẩm HĐTL sắp triển khai - Chỉ số HNX30

HNX30 là gì?

Chỉ số HNX 30 thể hiện mức biến động giá trị của 1 rổ gồm 30 cổ phiếu. Đặc điểm khác biệt nhất của 30 cổ phiếu này là được lựa chọn với tiêu chí ưu tiên về tính thanh khoản của các cổ phiếu, sau đó mới tới mức vốn hóa của cổ phiếu. Tính thanh khoản này được đo lường bằng tỷ lệ giữa giá trị giao dịch bình quân trong 12 tháng gần nhất và mức vốn hóa tính theo lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Giống như HĐTL trên trái phiếu chính phủ, HNX30 vẫn chưa chính thức ra mắt thị trường

Giống như HĐTL trên trái phiếu chính phủ, HNX30 vẫn chưa chính thức ra mắt thị trường

Lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng là số lượng niêm yết trừ đi số cổ phiếu không được tự do chuyển nhượng như phần sở hữu của nhà nước, phần hạn chế chuyển nhượng của các cổ đông chiến lược (nếu có), phần sở hữu của cổ đông lớn…

Chứng quyền có đảm bảo là gì?

Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành. Cho phép người sở hữu được quyền mua hoặc được quyền bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá trị thực hiện và chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Chứng quyền có đảm bảo làm giảm rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư

Chứng quyền có đảm bảo làm giảm rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư

Chứng khoán cơ sở của chứng quyền là cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Thuộc chỉ số VN30 hoặc HNX30 hoặc chỉ số tương đương thay thế.
  • Giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 6 tháng gần nhất từ 5,000 tỷ đồng trở lên.
  • Tổng khối lượng giao dịch trong 6 tháng gần nhất tối thiểu đạt 25% lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân.
  • Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại ngày chốt dữ liệu xem xét từ 20% trở lên.
  • Có thời gian niêm yết từ 6 tháng trở lên tính đến thời điểm xem xét.
  • Hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở có lãi tại kỳ xem xét. Không có lỗ lũy kế căn cứ trên BCTC gần thời điểm xem xét nhất.
  • Không trong tình trạng bị cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch. Không trong diện hủy niêm yết theo quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán.

Hy vọng qua bài viết trên, các nhà đầu tư đã hiểu rõ hơn về các loại chứng khoán phái sinh ở Việt Nam. Từ đó có thể dễ dàng đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn trên thị trường. Nhằm mang về những thắng lợi cũng như phần lợi nhuận xứng đáng từ những quyết định đầu tư đó.

Các tin liên quan