Tin thị trường

CASA giảm đồng loạt, ngân hàng đối mặt áp lực vốn giá rẻ

Nhịp sống kinh doanh -
08/05/2025
lai-suat20250410072413202504160901272808520-1746692667.jpg
Tỷ lệ CASA giảm tại nhiều ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA – Current Account Saving Account) từ lâu đã là thước đo quan trọng phản ánh năng lực bán lẻ và chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại. Đây cũng là yếu tố then chốt giúp cải thiện biên lợi nhuận (NIM), giảm chi phí vốn và nâng cao sức cạnh tranh về lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, sau thời kỳ tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2020–2022, tỷ lệ CASA tại nhiều ngân hàng đang đối mặt với xu hướng sụt giảm trong vài năm gần đây, bất chấp nỗ lực chuyển đổi số và đa dạng hóa dịch vụ.

Khảo sát trên 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy, có tới 21 đơn vị ghi nhận CASA giảm so với đầu năm. Trong khi đó, chỉ có 6 ngân hàng tăng CASA, nhưng mức tăng đều không đáng kể. Trung bình, tỷ lệ CASA của nhóm giảm đã hạ từ 19,9% cuối năm 2024 xuống chỉ còn 18,5% vào cuối tháng 3/2025.

Diễn biến này phần lớn đến từ sự gia tăng của mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trong năm 2024, khiến khách hàng ưu tiên gửi có kỳ hạn để hưởng lãi cao hơn, thay vì giữ tiền trong tài khoản thanh toán.

Tại SeABank, lượng tiền gửi khách hàng giảm tới 4,9% so với đầu năm trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm tới 48,6%, kéo theo tỷ lệ CASA tụt mạnh từ 19,2% đầu năm xuống chỉ còn 10,4% – mức giảm trong nhóm mạnh nhất khảo sát.

Quảng cáo

Tương tự, LPBank cũng ghi nhận CASA giảm từ 9,8% xuống còn 6,9%, sau khi tiền gửi không kỳ hạn giảm 27,2%. Trong khi đó, HDBank và PGBank lần lượt giảm CASA 2,2 điểm % và 2,1 điểm %.

Đáng chú ý, ngay cả các ngân hàng đầu ngành về CASA cũng không tránh khỏi làn sóng sụt giảm. MB, dù vẫn giữ ngôi đầu bảng, cũng giảm từ 39,1% về 35,7%. Techcombank mất hơn 12.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn (tương đương 6,5%), khiến CASA giảm 2,3 điểm %, còn 35,1%. Vietcombank cũng giảm CASA từ 35,9% xuống 34,3%.

screen-shot-2025-05-08-at-32451-pm-1746692766.png
Tỷ lệ CASA của các ngân hàng cuối quý I/2025. (Tổng hợp: Trần Thúy)

Một tín hiệu đáng lưu ý, là có tới 11/27 ngân hàng khảo sát (tương đương 40,7%) có tỷ lệ CASA dưới 10%. BacABank hiện là ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp nhất toàn hệ thống, chỉ ở mức 2,8%. Xếp sau là VietABank (4,3%) và VietBank (5,4%). Các ngân hàng như Nam A Bank (5,7%), BVBank (6,2%) và Kienlongbank (6,7%) cũng ghi nhận tỷ lệ CASA khá khiêm tốn.

CASA đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chi phí vốn – yếu tố cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp đến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng. Khi tỷ lệ CASA giảm, cơ cấu nguồn vốn có xu hướng lệch về tiền gửi kỳ hạn – vốn có chi phí cao hơn đáng kể khiến dư địa giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tín dụng ngày càng thu hẹp.

Khác với cuộc đua lãi suất huy động thường thấy trên thị trường, thu hút CASA là một “cuộc chiến âm thầm” nhưng rất khốc liệt. Bởi vì tiền gửi không kỳ hạn không thể được “mua” bằng lãi suất cao, mà phụ thuộc vào năng lực xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa kênh, đầu tư công nghệ, chăm sóc khách hàng và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.

Để giữ chân khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán thường xuyên, nhiều ngân hàng đang tăng tốc chuyển đổi số, miễn phí dịch vụ, tích hợp thanh toán QR, hoàn tiền khi chi tiêu qua tài khoản, và tặng thưởng khi giao dịch thường xuyên.

Trong bối cảnh thị trường vốn ngày càng cạnh tranh, việc duy trì và từng bước phục hồi tỷ lệ CASA trong năm 2025 được xem là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các ngân hàng củng cố nền tảng khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động – đặc biệt với nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh