Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu HPG, KBC, CSV.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết quả kinh doanh quý I của Hòa Phát khá tích cực, nhất là khi quý đầu năm thường là giai đoạn thấp điểm với ngành thép. Cụ thể, doanh nghiệp đạt doanh thu 37.600 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhà máy Dung quất 2 (giai đoạn 1) bắt đầu đi vào hoạt động và có sản phẩm thương mại từ tháng 3.
Nhờ giá nguyên liệu như quặng sắt và than giảm nhẹ, trong khi giá bán ổn định, công ty giữ được tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức cao 14,4%. Trừ đi các chi phí, Hòa Phát ghi nhận lãi sau thuế đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
![]() |
Biến động lãi sau thuế và tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát (Ảnh: VDSC) |
Với đà tăng trưởng từ nhà máy mới và chi phí nguyên liệu đầu vào ổn định, công ty được kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận cả năm 2025 khoảng 18.700 tỷ đồng – tăng tới 56% so với năm ngoái.
Về góc nhìn kỹ thuật, sau nhịp hồi phục nhanh từ vùng đáy 21.300 đồng, HPG bị cản tại vùng 26.000 đồng và có diễn biến thăm dò tại vùng 25.000 - 26.000 đồng. Diễn biến thăm dò này khá ổn định theo hướng tạo nền cân bằng, ngoại trừ phiên 22/4 và phiên 12/5.
Tuy nhiên, áp lực bán trong 2 phiên này không đủ để HPG suy yếu và cổ phiếu đã nhanh chóng hồi phục sau đó. Đồng thời, HPG đang có tín hiệu dần khởi sắc và vượt nhẹ ngưỡng 26.000 đồng. Các tín hiệu này có thể tạo động lực hỗ trợ và giúp HPG có cơ hội dẫn tăng giá trong thời gian tới.
Agriseco Research đánh giá cao triển vọng phục hồi của Kinh Bắc (KBC) trong năm 2025 sau kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, doanh thu đạt 3.117 tỷ đồng, tăng tới 1.951% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 849 tỷ đồng, đảo chiều mạnh mẽ từ khoản lỗ 77 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này chủ yếu đến từ việc ghi nhận doanh thu cho thuê đất các dự án khu công nghiệp, vốn không phát sinh trong quý I/2024. Đồng thời, doanh thu bán bất động sản tăng gấp 28 lần lên 411 tỷ đồng nhờ bàn giao dự án NOXH tại thị trấn Nếnh.
![]() |
Kinh bắc ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2025 tăng mạnh (Ảnh: Agriseco Research) |
Trong năm 2025, KBC dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khi lên kế hoạch cho thuê 200ha đất khu công nghiệp và phát hành 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động hơn 6.000 tỷ đồng. Số vốn này sẽ giúp công ty giảm áp lực tài chính và triển khai các dự án lớn như Tràng Duệ 3, Tân Phú Trung, Hưng Yên và Long An.
Về dài hạn, KBC đang sở hữu quỹ đất hơn 6.000ha và có kế hoạch mở rộng thêm 2.400ha. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đầu năm nay như Tràng Duệ 3, Kim Thành 2, Quế Võ 2 mở rộng và Khu đô thị Tràng Cát, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trung hạn.
Mặc dù có lo ngại từ thông tin Mỹ xem xét áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, ban lãnh đạo KBC cho biết phần lớn khách hàng chỉ tạm hoãn đầu tư và vẫn giữ lại quỹ đất chờ tín hiệu thuận lợi hơn. Do vậy, rủi ro trung hạn vẫn hiện hữu nhưng có thể kiểm soát được.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), mảng sản phẩm chủ lực của CSV là Xút – Clo đang có nhiều dư địa tăng trưởng khi nhu cầu từ các ngành công nghiệp hạ nguồn như sản xuất giấy, dệt nhuộm và hóa chất hồi phục. Trong khi đó, nguồn cung trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Giá đầu vào như muối công nghiệp cũng có diễn biến thuận lợi, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ nhờ sản lượng nhập khẩu từ Ấn Độ tăng mạnh.
Ngoài ra, dự án di dời nhà máy sang KCN Nhơn Trạch 6 sẽ giúp nâng công suất và mở rộng danh mục sản phẩm. Vị trí mới có lợi thế về logistics, giúp CSV tiết giảm chi phí vận chuyển và nhập khẩu nguyên liệu hiệu quả hơn.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2025, doanh thu thuần của CSV tăng 37,4% đạt 482,5 tỷ đồng – hoàn thành gần 28% kế hoạch năm. Dự báo cả năm, doanh thu sẽ đạt gần 1.894 tỷ đồng (+2% YoY), lợi nhuận sau thuế khoảng 254,8 tỷ đồng, tương ứng EPS 2.122 đồng/cp và P/E forward khoảng 17,9 lần.
![]() |
SHS dự báo kết quả kinh doanh năm 2025 và 2026 của CSV |
Tuy nhiên, SHS cũng cảnh báo một số rủi ro cần lưu ý: Biến động giá nguyên liệu đầu vào (muối và điện), biến động giá bán sản phẩm đầu ra, rủi ro tỷ giá và cạnh tranh gia tăng trong ngành. Ngoài ra, CSV còn đối mặt với rủi ro pháp lý và môi trường do đặc thù ngành hóa chất.