
Vàng thế giới giảm sốc vì 'đình chiến' thương mại Mỹ - Trung
Thị trường vàng thế giới tuần qua ghi nhận biến động mạnh với xu hướng giảm là chủ đạo, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thiên về tài sản rủi ro sau tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/5, giá vàng thế giới giảm hơn 2%, hướng tới tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Lúc 0h50 ngày 17/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 3.188,25 USD/ounce, đánh dấu mức giảm 4,1% trong tuần. Giá vàng kỳ hạn tại Mỹ cũng giảm 1,2%, chốt ở 3.187,2 USD/ounce.
Nguyên nhân chính là thông tin Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận “đình chiến” thương mại, trong đó hai bên đồng ý giảm mạnh thuế nhập khẩu trong vòng 90 ngày. Theo đó, thuế Mỹ giảm từ 145% xuống 30%, còn Trung Quốc hạ mức thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%. Điều này khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng sụt giảm mạnh.
Theo ông Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, làn sóng chốt lời đã diễn ra suốt tuần qua khiến vàng chịu áp lực giảm lớn.
Diễn biến giá vàng ghi nhận nhiều phiên giảm sâu. Ngày 12/5, ngay sau thông tin tích cực về đàm phán Mỹ - Trung, giá vàng giao ngay lao dốc 3% xuống 3.225,28 USD/ounce, còn vàng kỳ hạn giảm 3,5% xuống 3.228 USD/ounce. Ngày 13/5, vàng phục hồi nhẹ nhờ lực mua bắt đáy sau khi chỉ số CPI tháng 4 của Mỹ chỉ tăng 0,2% – thấp hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, tới ngày 14/5, giá vàng lại tiếp tục giảm hơn 2%, chạm mức thấp nhất trong hơn một tháng.
Phiên 15/5, giá vàng có nhịp phục hồi, tăng 1,3% lên 3.218,89 USD/ounce sau khi Mỹ công bố dữ liệu PPI và doanh số bán lẻ thấp hơn dự báo. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự đàm phán hoà bình về Ukraine cũng hỗ trợ thêm cho giá vàng.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá vàng vẫn tăng hơn 21%, từng chạm đỉnh kỷ lục 3.500,05 USD/ounce vào tháng trước do lo ngại về suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị và dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng.
Tuy xu hướng ngắn hạn đang nghiêng về điều chỉnh giảm, song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng giá vàng sẽ giữ được mặt bằng cao trong trung hạn, nhờ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất và các rủi ro địa chính trị còn hiện hữu.

Chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn cao, Chính phủ yêu cầu siết quản lý
Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng điều chỉnh giảm nhưng không quá lớn. Kết thúc phiên 17/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 3,5 triệu đồng và 2,5 triệu đồng/lượng so với đầu tuần. Biên độ chênh lệch mua – bán được nới rộng lên 3 triệu đồng/lượng. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 14,8 triệu đồng/lượng.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã ban hành công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan triển khai ngay các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì phối hợp theo dõi sát diễn biến giá vàng, kịp thời áp dụng giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường, không để ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ và an ninh tài chính quốc gia.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2. Các hành vi vi phạm pháp luật sẽ được xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước, phát triển thị trường minh bạch và bền vững. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo thông tin chính xác, công khai, góp phần ổn định tâm lý người dân.
Bộ Công an được giao chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường vàng.