
Thưa ông, thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến một nghịch lý khi đồng USD trên thế giới giảm giá nhưng tỷ giá trong nước lại tăng mạnh. Ông lý giải nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là gì?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy, đây là một hiện tượng đáng chú ý. Trên lý thuyết, khi đồng USD mất giá so với các ngoại tệ khác, đồng Việt Nam (VND) sẽ lên giá và tỷ giá sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại: tỷ giá vẫn tăng. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng khoảng 2,5% và dự báo cho cả năm 2025 có thể tăng ít nhất 5%.
Hiện tượng này có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, dự trữ ngoại hối của chúng ta hiện tại rất mỏng, chỉ vào khoảng 80 tỷ USD. Trong khi đó, mức bình quân 3 tháng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là 105 tỷ USD. Điều này có nghĩa là dự trữ ngoại hối không đáp ứng đủ chuẩn mực quốc tế là 3 tháng nhập khẩu, một tiêu chuẩn quan trọng để bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế.
Thứ hai, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng tăng, đẩy nhu cầu về ngoại tệ lên cao. Dù kinh tế có sự tăng trưởng tốt (trên 7% trong 6 tháng đầu năm), nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề thuế quan với Mỹ, làm giảm giá trị của đồng nội tệ.
Việc tỷ giá tăng cao như vậy sẽ tác động như thế nào đến lạm phát, lãi suất và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thông thường, khi tỷ giá tăng sẽ đẩy lạm phát lên. Nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu. Khi tỷ giá tăng, giá của tất cả hàng hóa nhập khẩu tính ra tiền đồng sẽ tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng lạm phát chung.
Ngoài ra, tỷ giá tăng còn tác động đến các thị trường khác, trong đó có thị trường vàng, làm đẩy giá vàng lên cao, tạo ra một tâm lý về lạm phát từ thị trường này. Nhìn chung, cân đối vĩ mô sẽ chịu tác động mạnh nếu tỷ giá tăng, không chỉ ảnh hưởng đến lạm phát hay dự trữ ngoại hối mà còn lan sang các cân đối vĩ mô khác.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Ngân hàng Nhà nước nên có những biện pháp gì để bình ổn tỷ giá, hay nên để thị trường tự vận động theo cung cầu?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, chúng ta cần chờ xem phía Mỹ sẽ có công bố chính thức thế nào về vấn đề thuế quan. Dựa trên đó, chúng ta mới có thể đánh giá tình hình một cách chính xác hơn.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu, nên cân nhắc việc mua các hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn từ các ngân hàng. Điều này giúp họ bảo vệ mình trước biến động của tỷ giá, bảo đảm có đủ ngoại tệ để thanh toán và ấn định được một mức tỷ giá ngay từ khi ký hợp đồng.
Một giải pháp dài hạn hơn là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào hai thị trường lớn là Trung Quốc (nhập khẩu) và Hoa Kỳ (xuất khẩu).
PV: Ông vừa dự báo tỷ giá có thể mất khoảng 5% trong năm nay. Vậy đâu là yếu tố sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến tỷ giá trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng vấn đề thuế quan với Mỹ sẽ là yếu tố tác động rất mạnh. Ngoài ra, việc chúng ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cũng là một yếu tố cố hữu. Khi nhập khẩu nhiều, nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng, từ đó đẩy tỷ giá lên.
Về lạm phát, dù 6 tháng đầu năm chúng ta kiểm soát tốt ở mức 3,27% (dưới mục tiêu 4,5%), nhưng từ nay đến cuối năm, tình hình có thể khó kiểm soát hơn, và đây cũng là một yếu tố có thể đẩy tỷ giá tăng lên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn!