Tin thị trường

Chủ tịch Vinatex: 'Muốn dệt may đóng góp tăng trưởng hai con số, cần tăng thu nhập công nhân hơn 10% mỗi năm'

Người quan sát -
12/07/2025
Chứng khoán

Chủ tịch Vinatex: 'Muốn dệt may đóng góp tăng trưởng hai con số, cần tăng thu nhập công nhân hơn 10% mỗi năm'

Hải Băng 12/07/2025 - 14:12

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng ngành dệt may vẫn có thể đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số nếu tập trung tăng thặng dư thương mại và thu nhập công nhân thay vì chỉ chạy theo kim ngạch.

Phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - UPCoM: VGT) cho biết ngành dệt may có thể đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số nếu có giải pháp đúng và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đến năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tạo ra thặng dư thương mại khoảng 21 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng 10%/năm liên tục trong 5 năm, tức đến năm 2030 xuất khẩu khoảng 75 - 80 tỷ USD là một kịch bản khó thành hiện thực.

“Thị trường thế giới trong 10 năm qua chỉ tăng trưởng bình quân 1,8%/năm. Trong nước, lực lượng lao động ngành dệt may hầu như không tăng dù tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6%/năm. Nguồn cung lao động khan hiếm, cạnh tranh với nhiều ngành nghề khác khiến tăng trưởng theo chiều rộng là điều bất khả thi” - ông Trường phân tích.

Chủ tịch Vinatex: 'Muốn dệt may đóng góp tăng trưởng hai con số, cần tăng thu nhập công nhân hơn 10% mỗi năm'
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Tăng thu nhập công nhân 10%/năm là cách đóng góp thực chất

Theo Chủ tịch Vinatex, nếu chỉ tăng trưởng kim ngạch 4% - 6%/năm, ngành dệt may sẽ hụt đóng góp khoảng 0,1% - 0,2% cho mục tiêu tăng GDP 10%/năm. Vì vậy, dệt may cần chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên hai trụ cột:

Thứ nhất, tăng thặng dư thương mại bằng cách giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Thứ hai, tăng năng suất lao động thông qua đầu tư tự động hóa và đổi mới công nghệ, từ đó tạo điều kiện tăng thu nhập công nhân trên 10% mỗi năm.

“Nếu làm được hai việc này, dù kim ngạch chỉ tăng 4% - 5%, ngành vẫn đóng góp thực chất cho tăng trưởng hai con số” - ông Trường khẳng định.

Chủ tịch Vinatex: 'Muốn dệt may đóng góp tăng trưởng hai con số, cần tăng thu nhập công nhân hơn 10% mỗi năm'
Ảnh minh họa

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Vinatex đưa ra 3 nhóm kiến nghị:

Một là, khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước, coi đây là hạ tầng phát triển bền vững, được ưu đãi như đầu tư vào logistics hay năng lượng. Với ưu đãi thuế quan hiện nay, việc nâng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do hiệu quả hơn.

Hai là, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị đầu tư vào tự động hóa, hiện đại hóa, qua đó nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, Việt Nam cần khoảng 30 công nhân cho 10.000 cọc sợi, trong khi Trung Quốc chỉ cần 6, đây là khoảng cách cần được thu hẹp.

Ba là, áp dụng chính sách khuyến khích dựa trên kết quả thực tế, như hoàn thuế phần vượt mục tiêu thặng dư thương mại hoặc tăng lương vượt ngưỡng 10%. “Nếu doanh nghiệp tăng lương cho công nhân 12% thay vì 10%, phần vượt 2% đó có thể được khấu trừ thuế. Đây là động lực thực chất” - ông Trường đề xuất.

Chủ tịch Vinatex lưu ý, các sản phẩm xanh vẫn rất khó bán do giá thành cao. Ngoài ra, nếu muốn phát triển sản xuất nguyên liệu tuần hoàn, Việt Nam cần chính sách cho phép nhập khẩu nguyên liệu đã qua sử dụng, bởi nguồn cung nội địa không đủ quy mô.

“Tăng trưởng GDP hai con số là mục tiêu lớn, nhưng để đạt được, cần lộ trình rõ ràng, công cụ chính sách cụ thể và sự đồng hành thực chất giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp” - ông Trường kết luận.

>> Tập đoàn dệt may 80.000 nhân sự báo lãi 6T/2025 gấp đôi cùng kỳ, tăng tốc gom đơn hàng khi Mỹ tạm hoãn áp thuế

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh