Kính gửi Quý nhà đầu tư,
Trải qua sáu tháng với ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, với nguy cơ “làn sóng thứ hai” đang có dấu hiệu quay trở lại, triển vọng của hầu hết nhóm ngành vẫn tương đối tiêu cực như đề cập báo cáo trước đó của chúng tôi . Do đó, chủ đề đầu tư của chúng tôi sẽ không có quá nhiều thay đổi so với quý liền kề, chủ yếu tập trung cập nhật các diễn biến gần nhất của các chủ đề được đề cập trước đó.
(1) Tiến độ giải ngân đầu tư công trong nửa đầu năm 2020 vẫn còn tương đối chậm, sự kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công chuyển dần sang nửa cuối năm 2020 và năm 2021, dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai hơn trong năm 2020 nhờ việc chuyển đổi 8 dự án từ hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công. Chính phủ cũng đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang. BSC cho rằng ba dự án kể trên và một loạt các dự án khác sẽ là động lực chính hỗ trợ cho các nhóm ngành vật liệu xây dựng (Thép – Xi măng – Nhựa đường), ngành xây dựng và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như Bất Động Sản (VHM, DXG, NVL, DIG, NLG) và Khu Công nghiệp như (GVR, D2D, SZL).
(2) Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giải quyết được “nút thắt cổ chai” về chi phí vận chuyển qua đó giúp thu hút tốt hơn dòng vốn FDI và làn sóng dịch chuyển công xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mặc dù với lợi thế vị trí và chi phí nhân công giá rẻ, ưu đãi thuế phí của chính phủ tuy nhiên chúng tôi nhận thấy chi phí vận chuyển và cơ sở hạ tầng giao thông đang là một trong những nút thắt cổ chai chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của các doanh nghiệp nước ngoài. Xét trong dài hạn, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI. Bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì vị thế là ngành hưởng lợi rõ nét từ xu hướng dịch chuyển này. Chúng tôi lưu ý tiến trình này có thể chậm lại vào năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 khiến việc thực địa, khảo sát bị trì hoãn.
(3) Công tác đẩy mạnh thoái vốn các nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong cuối Q2/2020, thủ tướng đã phê duyệt danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Chúng tôi cho rằng việc đẩy mạnh công tác thoái vốn sẽ giúp cho chính phủ có thêm nguồn thu hỗ trợ vốn cho việc giải ngân các dự án đầu tư công trong giai đoạn sắp tới. Một số cổ phiếu đáng chú ý đến chủ đề thoái vốn có thể được đẩy nhanh tiến độ như DBD (13.3%), DVN (29%), SAB (36%), VGC (38.6%), PLX (75.9%), HVN (86.2%), IDC (36%),…
(4) Kỳ vọng vào dòng tiền khối ngoại nửa cuối năm 2020. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự quay trở lại của dòng tiền khối ngoại vào thời điểm cuối năm 2020 khi MSCI chuẩn bị tiến hành nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi sang vào thời điểm tháng 11/2020. Ngoài ra, Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch tương đối tốt, môi trường đầu tư và định giá thị trường hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố tiên quyết có thể giúp thu hút dòng tiền khối ngoại trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021.
Nối tiếp Báo cáo Vietnam Sector Outlook 2020, BSC xin gửi tới Quý nhà đầu tư Vietnam Sector Outlook Quý 3 2020. Trong Báo cáo Triển vọng Ngành Quý 3, BSC đưa ra 4 chủ đề đầu tư cùng với nhận định cho 20 Ngành kinh tế với các nhóm nhận định Khả quan – Trung lập – Kém khả quan (chi tiết xin xem tại Báo cáo).
BSC kính chúc Quý nhà đầu tư một năm đầu tư sáng suốt, may mắn và thành công !