TTCK VIỆT NAM
Cơ hội chưa rõ rệt cho dù VN-Index giữ được vùng đáy cũ
VN-Index giảm -2.3%, nối dài con số 5 tuần giảm trong 6 tuần gần nhất. Thị trường vẫn ghi nhận 145 cổ phiếu tăng so với 242 cổ phiếu giảm nhưng có đến 15/19 ngành giảm trong tuần chỉ số kiểm tra đáy ngắn hạn tại 1,169 điểm. Các ngành dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản và ngân hàng tăng giá nhẹ giúp cho VN-Index giữ được đáy ngắn hạn trong 2 phiên cuối tuần. Dòng tiền tục suy yếu và khối ngoại quay lại bán ròng khiến cho diễn biến ngắn hạn vẫn đang khó lường. Ở chiều ngược lại, mùa công bố KQKD quý II và tin đồn các Ngân hàng tham gia cơ cấu có thể được cấp tín dụng mới sớm hơn sẽ là thông tin tích cực ngắn hạn. Dù vậy chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang ở vùng nhạy cảm, nguy cơ giảm vẫn lớn và cơ hội chưa rõ rệt nên NĐT cần tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phiếu thấp và chờ đợi diễn biến xác nhận trước khi gia tăng tỷ trọng đầu tư.
Tổng kết 6 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7.0%, theo đó Bộ đưa ra 2 kịch bản: (1) Tăng trưởng GDP 6.5% khi quý 3 tăng 6.9% và quý 4 tăng 5.5% và (2) Tăng trưởng GDP 7.0% khi quý 3 tăng 9% và quý 4 tăng 6.3%. Với mức tăng trưởng GDP ấn tương 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa thông điệp ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Chính sách tiền tệ được định hướng linh hoạt, an toàn và thận trọng trong khi chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Với sự thay đổi này, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đầu năm và kế hoạch đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng sẽ không có áp lực lớn theo đuổi mà nhiều khả năng sẽ điều hành thích ứng và thận trọng hơn biến động trong nước và quốc tế.
TTCK THẾ GIỚI
TTCK hồi phục trước bóng ma suy thoái đang lớn dần
Các chỉ số CK Hoa Kỳ hồi phục bình quân 3%, Nasdaq duy trì 5 phiên tăng điểm liên tiếp trước báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến qua đó giúp FED theo đuổi chính sách nâng lãi suất một cách tích cực. Hiệu ứng tích cực cũng lan tỏa đến thị trường các nước phát triển với mức tăng bình quân 1.7% trong khi TTCK khu vực lại có sự phân hóa. Philippines, Singapore là 2 thị trường tăng điểm, các thị trường còn lại giảm điểm bao gồm cả Trung Quốc. Chỉ số hàng hóa ghi nhận tuần thứ 4 giảm điểm -1%, mức giảm điểm chủ yếu ở các mặt hàng kim loại, trong đó vàng giảm -3.6%. USD Index tiếp tục tăng giá mạnh 1.8%, mức tăng hầu hết các đồng tiền khác, tiêu biểu tăng 2.4% so với EUR. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với công bố đến từ các ngân hàng lớn và báo cáo CPI tháng 6 Hoa Kỳ ngày 13/7 sẽ là thông tin chú ý trong tuần tới.
Báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 7/7 cho biết kim ngạch thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 7,7 nghìn tỷ USD trong quý 1 năm 2022, tăng khoảng 1 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển trong quý 1 năm 2022 cao hơn khoảng 25% so với quý 1 năm 2021. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển là khoảng 14%. UNCTAD nhận định xu hướng tích cực đối với thương mại quốc tế có thể sớm kết thúc trong bối cảnh các chính sách thắt chặt và mâu thuẫn địa chính trị kéo theo kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát và lo ngại khả năng thanh toán của nhiều nền kinh tế. Trước đó, dự báo mới nhất Bloomberg cho thấy khả năng Hoa Kỳ suy thoái trong 12 tháng tới ở mức 38% so với khả năng không có cách đây vài tháng.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO
• Mùa công bố KQKD quý II.
• 11/7, cung tiền M2 Nhật Bản; cung tiền M2 và nợ mới của Trung Quốc. 13/7, GDP và chỉ số sản xuất công nghiệp Anh; chỉ số công nghiệp Châu Âu; CPI và dự trữ dầu thô Hoa Kỳ; Lãi suất và báo cáo chính sách tiền tệ Canada. 14/7, Tỷ lệ thất nghiệp Australia; FDI Trung Quốc; PPI và đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ. 15/7, Chỉ số công nghiệp, chỉ số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp và GDP Trung Quốc; Doanh thu bán lẻ và chỉ số niềm tin tiêu dùng Hoa Kỳ.