Báo cáo vĩ mô tuần

Tuần 31__Dòng tiền luân chuyển trong quá trình tích lũy lại _PTKT__TNG, PVT,MSH,VCS,GMD,HDG_20190809

  • Ngày đăng

    11/08/2019

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Lượt tải về

    445

Báo cáo chi tiết

Chiến thuật tuần tới                               
VN-Index đang ở vùng biến động mạnh trước thông tin bất lợi từ thế giới và khối ngoại bán ròng. VN-Index giảm 1.7% chủ yếu đến từ những cổ phiếu lớn đóng góp cho đà tăng giá trong suốt tháng 7. Dù vậy thị trường đang phân hóa mạnh với 8/18 ngành tăng điểm. Vận động của dòng tiền khá rõ rệt trong tuần qua sau khi chốt lãi từ nhiều cổ phiếu tăng nóng và luân chuyển nhanh qua các cổ phiếu giảm sâu hoặc chưa tăng giá của ngành như y tế, cảng, thép, săm lốp và bất động sản. Vận động giá này giúp tâm lý thị trường không tiêu cực cho dù chỉ số giảm mạnh và khối ngoại bán ròng gần 1,000 tỷ trên 2 sàn. Luân chuyển giá nhanh cũng mang lại cơ hội ngắn hạn cho NĐT đã nắm giữ trạng thái nhưng chưa phải là động lực nâng đỡ thị trường. NĐT vẫn cần thận trọng giữ tỷ trọng tiền hợp lý để có thể chủ động ở nhịp rung lắc thị trường tiếp theo.


Nhân dân tệ giảm giá dưới ngưỡng tâm lý 7 NDT/ USD, mức thấp nhất trong 11 năm, khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. NDT giảm dưới ngưỡng tâm lý trong 11 năm được cho là phản ứng trước tuyên bố đánh thuế 10% lên 300 tỷ hàng hóa Trung Quốc vào 1/9 từ Mỹ. Bộ tài chính Mỹ sau đó liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, đẩy căng thẳng lên cao và tác động mạnh đến tâm lý NĐT. Các thị trường chứng khoán giảm mạnh, khối ngoại rút ròng ở tất cả nước khu vực. Đồng USD giảm -0.5% chủ yếu so với các đồng tiền chủ chốt như EUR, JPY và CHF trong khi tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó tăng 1.7% so với NDT. Chỉ số hàng hóa gần như không thay đổi tuy nhiên vàng tăng 4% từ nhu cầu trú ẩn trong khi giá dầu và giá quặng sắt giảm mạnh lần lượt -4.3% và -20.1% do lo ngại triển vọng kinh tế.


NHNN giảm mua tín phiếu tăng cung tiền, mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng trong khi tỷ giá cơ bản ổn định. NHNN phát hành 38,999 tỷ giá trị tín phiếu kỳ 7 ngày với lãi suất 2.75%, giảm 11,000 tỷ so tuần trước. Mặt bằng lãi suất có tuần thứ 3 tăng điểm lần lượt 18, 17, 21 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, và 1 tháng. NHNN đã giảm quy mô phát tín phiếu, đồng nghĩa tăng cung cho thị trường dù vậy mặt bằng lãi suất vẫn tăng. Điều này đang cho thấy thanh khoản bớt dồi dào và cũng có thể do tâm lý tăng dự trữ trước biến động bất thường thị trường thế giới. Ở chiều ngược lại, dù biến động trong tuần tỷ giá vẫn khá ổn định. Tính từ đầu năm, USD trong hệ thống giảm 35-45 đồng ở 2 chiều mua bán.


Biên độ giao động lớn, các HĐTL không bám kịp VN30, mở rộng mức chênh lệch giá âm. Mức chênh lệch giá giữa các HĐTL và VN30 mở rộng lần lượt -1.0%, -1%, -0.5% và -0.5% tại các kỳ hạn. Giá trị giao dịch tăng mạnh trong phiên 6/8 dù vậy giá trị bình quân phiên chỉ ở mức 7,744 tỷ/ phiên, giảm 10% so với tuần trước. Hợp đồng mở tiếp tục giảm 2% về mức 20,882 HĐ. VN30 hồi phục nhanh sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần, dù vậy chỉ số vẫn dừng lại tại SMA20. 880-883 điểm sẽ là ngưỡng cản chỉ số trong quá trình phục hồi. Hợp đồng 1908 còn 4 phiên nữa mới đáo hạn, giao dịch rung lắc có thể vẫn xảy ra khi chỉ số không thể vượt cản ngắn hạn.

Khuyến nghị trading ngắn hạn:
Thị trường vẫn đang trong vùng biến động với sự luân chuyển nhanh của dòng tiền. NĐT tạm thời theo dõi nếu không có lợi thế nắm giữ dòng cổ phiếu dẫn dắt thị trường.
Khuyến nghị đầu tư trung dài hạn: Duy trì tỷ trọng danh mục hiện tại.
Các cổ phiếu lưu ý về phân tích kỹ thuật:
Cổ phiếu chuyển biến tích cực: MSH, HDG, PVT, VCS, GMD

iInvest: Tuần vừa qua các danh mục Chiến tranh thương mại và Cổ phiếu hết room ngoại có mức tăng trưởng ấn tượng khi đạt hiệu suất lần lượt là +2.25% và +1.79% nhờ căng thẳng Mỹ- Trung leo thang. Trái lại, danh mục Dầu khi lại ghi nhận hiệu suất âm ở mức -2.60% khi giá dầu có nhiều biến động trong tuần qua.

Những thông tin lưu ý trong tuần tới

  • Thị trường đang có dấu hiệu vận động luân chuyển nhanh ở một số ngành và nhóm cổ phiếu.
  • Ngân hàng TW các nước thực hiện cắt giảm lãi suất trước triển vọng kinh tế suy yếu và cuộc chiến thương mại leo thang. Ấn Độ, New zealand và Thái Lan đã giảm lãi suất vào 7/8 và làn sóng hạ lãi suất chưa có dấu hiệu dừng lại.
  • Ngày 13/8, Mỹ công bố cân đối ngân sách liên bang, chỉ số CPI. 14/8, chỉ số sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định, doanh thu bán và thất nghiệp Trung Quốc; EU công bố chỉ số GDP, sản xuất công nghiệp và thay đổi lao động theo quý. 15/8, Chỉ số Doanh thu bán lẻ, sản xuất Philly FED, đơn trợ cấp thất nghiệp Mỹ. 16/8, chỉ số đơn xin phép xây dựng và tâm lý khách hàng của Mỹ.
icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh