Báo cáo vĩ mô tuần

Tuần 24_Dòng tiền luân chuyển giảm áp lực điều chỉnh_PTKT_HVN, NLG, PPC, HCM, VGI

  • Ngày đăng

    07/06/2020

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Lượt tải về

    1990

Báo cáo chi tiết

Chiến thuật tuần tới                               
Lực cầu giá thấp và dòng tiền luân chuyển hỗ trợ thị trường. Sự trở lại của nhóm cổ phiếu Ngân hàng (+5.4%) là động lực giữ VN-Index tăng 2.5% qua đó lấp gap giá tại 880 điểm. Dòng tiền luân chuyển mạnh và vận động qua nhiều lớp cổ phiếu, đặc biệt đẩy giá tại các cổ phiếu nhỏ và cổ phiếu thị trường. Thị trường tiếp tục ghi nhận đà tăng rộng với 17/19 ngành tăng điểm và 243 cổ phiếu tăng so với 109 cổ phiếu giảm. Không còn được hỗ trợ từ dòng tiền ETFs nội, dòng tiền NĐT trong nước vẫn phát huy sức mạnh khi hấp thụ tốt lực bán, củng cố tâm lý thị trường và duy trì đà tăng ổn định của thị trường. Chỉ số chững giá tại ngưỡng tâm lý và thanh khoản tăng cao đang thử thách tâm lý NĐT. Thị trường chưa có đợt điều chỉnh đúng nghĩa kể từ đợt phục hồi đầu tháng 4 và điều này đang củng cố tâm lý cho dòng tiền mới nắm bắt cơ hội. Các nhịp rung lắc nếu không trùng với biến động tiêu cực của thị trường thế giới chưa thể làm thay đổi xu hướng tăng điểm hiện tại và khả năng này vẫn là vận động chính của thị trường trong tuần tới.

ECB mở rộng chương trình mua tài sản, các thị trường duy trì đà tăng tốt. ECB mở rộng chương trình mua vào tài sản khẩn cấp (PEPP) thêm 600 tỷ EUR, đạt mức 1,350 tỷ EUR đến tới ít nhất tháng 6/2011 và duy trì lãi suất điều hành. Thông tin hỗ trợ đã giúp các TTCK Châu Âu có tuần tăng điểm tốt so các nước chủ chốt khác. OPEC+ thống nhất thỏa thuận sơ bộ kéo dài thêm 1 tháng cắt giảm sản lượng tiếp tục nâng đỡ đà tăng giá dầu thêm 7%, cùng nhiều hàng hóa nông sản tăng giá đưa mức tăng chỉ số Bcomp tăng 1.8% tuần qua. Ở chiều ngược lại, USD Index duy trì tuần giảm -1.7% so các đồng tiền chủ chốt khác ngoại trừ JPY, qua đó ghi nhận tuần giảm thứ 2. NDT giảm trở lại 7.09 NDT/USD, giảm bớt quan ngại trên thị trường tiền tệ. NHTW bơm tiền giá rẻ và cam kết duy trì một thời gian dài vẫn là yếu tố chủ chốt nâng đỡ TTCK, điều này đang lấn át những thông tin kém thuận lợi khác về triển vọng kinh tế quý II, căng thẳng Mỹ - Trung và biểu tình tại Mỹ.
 
Chỉnh phủ chủ trương lấy cung là chủ đạo và đẩy mạnh cầu nền kinh tế. Trong bối cảnh tổng cung và tổng cầu đều suy yếu do Covid-19, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ và triển khai gói hỗ trợ gồm chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đặc biệt gói hỗ trợ an sinh 20 triệu người hướng tới hồi phục kinh tế. Quốc hội cũng đã ban hành quyết định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, theo đó nâng mức giảm trừ cá nhân từ 9 lên 11 triệu, người phụ thuộc từ 3.6 lên 4.4 triệu từ 1/7. Quy định này tương đương với gói hỗ trợ tài chính 430 triệu USD cho đối tượng nộp thuế thu nhập hàng năm, qua đó góp phần cải thiện cầu nền kinh tế. Thường vụ Quốc hội cũng đã rất trí đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ. Các chính sách mới vẫn nằm trong hệ thống chính sách phục hồi doanh nghiệp và đời sống sau dịch. Tuần qua lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp 0.34%, 0.47%, 1.15% với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 1 tháng. Thanh khoản hệ thống dồi dào, hỗ trợ cho TTCK ngắn hạn.

Quỹ ETF FTSE VN loại cổ phiếu PDR trong kỳ cơ cấu quý II vì thanh khoản. Tương đồng với nhận định của chúng tôi cách đây 3 tuần, FTSE VN đã loại cổ phiếu PDR do tiêu chí thanh khoản trong kỳ cơ cấu danh mục quý II. FTSE All-share cũng loại PPC vì lý do thanh khoản và ROS vì vốn hóa. Với thay đổi này, quỹ dự kiến mua vào 0.8 triệu VHM và 0.7 triệu VHM trong khi bán ra 0.7 triệu SSI và 2.6 triệu PDR (Chi tiết tại trang xx). Quỹ sẽ thực hiện giao dịch từ 8 – 19/6.
 
Các HĐTL tăng tốc thu hẹp chênh lệch giá âm khi HĐTL 1 tháng còn 2 tuần nữa đáo hạn. Các HĐTL tăng bình 4.8% so với mức tăng 2.5% của VN30, qua đó thu hẹp mức chênh lệch giá âm xuống còn lần lượt -0.2%, -1.4%, -3.6% và -3.3% ở các kỳ hạn. Giao dịch giảm 8%, về mức bình quân 13,613 tỷ/ phiên. Hợp đồng mở tăng 14% lên mức 22,992 hợp đồng. VN30 tiếp tục hồi phục theo mẫu hình chữ V với thanh khoản tăng khá. Thanh khoản tích đang hỗ trợ chỉ số hướng về ngưỡng cản mạnh hơn trong khoảng 840 – 850 điểm (hội tụ ngưỡng cản và SMA đồ thị ngày và tuần). Tín hiệu phân kỳ âm đồ thị ngày với các đường tín hiệu MFI, RSI, MACD, Momentum đang cảnh báo sự suy yếu và nguy cơ xuất hiện những phiên rung lắc ngắn hạn. Với trạng thái gần về cân bằng trong khi chỉ số đang tiến nhanh đến ngưỡng cản tiếp theo, NĐT có thể cân nhắc mở vị thế short thăm dò và tăng tỷ trọng nếu chỉ số giảm dưới 800 điểm trong tuần tới.  

Khuyến nghị trading ngắn hạn: Thực hiện giao dịch xoay vòng khi VN-Index đang củng cố vùng giá quanh 880 điểm.
Khuyến nghị đầu tư trung dài hạn: Giữ tỷ trọng, tiếp tục theo dõi vận động của dòng tiền và chỉ số.

Các cổ phiếu lưu ý về phân tích kỹ thuật:
Cổ phiếu chuyển biến tích cực: HVN, NLG, PPC, HCM
Cổ phiếu tích lũy: VGI

Cập nhật hiệu suất danh mục i-Invest: 
Danh mục đáng chú ý trong tuần: Theme_Dầu khí_8.2%

Những thông tin lưu ý trong tuần tới

  • Dịch cúm Covid-19, các chính sách hỗ trợ kinh tế và diễn biến hồi phục sau dịch trong nước và quốc tế.
  • Thông tin liên quan đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội (từ 20/5 đến 19/6).
  • FTSE VN giao dịch cơ cấu danh mục từ 8 – 19/6; ETF VNM công bố điều chỉnh danh mục 12/6.
  • Ngày 8/6, GDP lần cuối Nhật Bản; Sản xuất công nghiệp Đức. 9/6, GDP điều chỉnh, thay đổi lao động thất nghiệp và cuộc họp bộ trưởng tài chính của EU. 10/6, CPI và dự trữ dầu thô của Mỹ; CPI, cung tiền M2 và các khoản nợ mới của Trung Quốc. 11/6, Lãi suất, Bảng cân đối ngân sách, phát biểu FOMC về triển vọng kinh tế và Đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ. 12/6, GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp của Anh; sản xuất công nghiệp EU.
icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh