Báo cáo vĩ mô tuần

Tuần 27_Rung lắc biên độ lớn có thể trở lại_PTKT_GEX,TLG,CMG,DHC,CII_20200627

  • Ngày đăng

    28/06/2020

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Lượt tải về

    1450

Báo cáo chi tiết

Chiến thuật tuần tới
Tâm lý chững, thanh khoản giảm thị trường sớm bước vào giai đoạn kiểm định. Không còn duy trì được đà hưng phấn, VN-Index có tuần giảm -1.9% sau khi hồi nhẹ tuần trước. Mức giảm mở rộng với 15/19 ngành và 232 cổ phiếu giảm so với 127 cổ phiếu tăng. Thanh khoản thu hẹp tuần thứ 2 liên tiếp, tuy nhiên mức sụt giảm chưa mạnh tạo điều kiện cho dòng tiền tiếp tục luân chuyển nhanh qua các ngành Nhựa, Phân bón, Chứng khoán, Thép, .. Tuy nhiên khác với chiều tăng giá, dòng tiền đảo qua các ngành nhanh chỉ kéo dài 1-1.5 phiên và nhanh chóng suy yếu. Nhiều công ty đang tổ chức ĐHCĐ và công bố dự kiến KQKD quý II tạo ra sự phân hóa. Dù vậy diễn biến tăng giá của các Công ty có KQKD tích cực cũng không thể kéo dài do dòng tiền thu gọn và thiếu tính đồng thuận. Thị trường sớm bước vào giai đoạn kiểm định, do vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng với diễn biến hiện tại. NĐT chỉ nên cân nhắc mua vào khi VN-Index quay lại kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 830 - 835 điểm.

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng vọt.
IMF đã điều chỉnh mức dự báo GDP toàn cầu giảm từ 3% lên mức giảm 4.9%, mức phục hồi năm 2021 cũng điều chỉnh nhẹ từ 5.8% xuống còn 5.4%. Lý do hạ dự báo đến từ các biện pháp giãn cách xã hội nhiều khả năng còn duy trì trong nửa cuối năm, năng suất lao động và chuỗi cung ứng bị tác động nặng nề. Cùng với đó số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng vọt lên trên 40 nghìn ca/ngày vượt đỉnh cuối tháng 4, ảnh hưởng đến tiến trình mở cửa lại các tiểu bang và triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ. Số ca nhiễm thế giới cũng tăng vọt lên 9.7 triệu và hơn 490 nghìn người tử vong. Theo Worldometers, Hoa Kỳ ghi nhận 47,341 ca mắc bệnh Covid-19 mới tại ngày 26/6 – số ca tăng mạnh nhất kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát. Texas và Florida ban hành lệnh hạn chế các dịch vụ ăn uống, cùng các dịch vụ giải trí. Những thông tin này tác động tiêu cực và khiến các thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa và USD Index điều chỉnh giảm. Trong phiên cuối tuần, Dow Jones cùng S&P 500 giảm mạnh lần lượt tại -2.84% và -2.42%. Trong tuần kết thúc hôm 26/6, Dow Jones cùng S&P 500 giảm mạnh lần lượt tại 3.31% và 2.87%. Tuy vậy, các thị trường vẫn đang chi phối bởi dòng vốn đầu tư cá nhân dồi dào và các thông tin tốt xấu đan xen khi hoạt động công bố kinh tế và KQKD quý II đang đến gần.
 
Thanh khoản dồi dào, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp giúp giảm lãi suất thị trường 1. Diễn biến lãi suất liên ngân tăng lại vào cuối tháng và quý chưa xuất hiện tại thời điểm hiện tại. Lãi suất tại các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng vẫn duy trì ở mức thấp lần lượt ở mức 0.1%, 0.2%, 0.5% và 1.8%. Thanh khoản dồi dào và lãi suất thấp ở thị trường 2 đang giúp lãi suất thị trường 1 giảm dần. Các NHTM đã giảm lãi suất huy động 0.2% - 0.5% ở một kỳ hạn. Thống kê NHNN cũng cho thấy lãi suất phổ biến 0.1-0.2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 4-4.25%/ năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng và 4.9-6.6%/năm với kỳ hạn 6 tháng – 1 năm. Lãi suất cho vay cũng giảm 1-2% so với cuối năm 2019 ở mức phổ biến 6%-9%/năm ngắn hạn, 9-11% với trung và dài hạn. Nhiều lãnh đạo ngân hàng trong ĐHCĐ thường niên trao đổi sẽ còn đợt giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Xu hướng giảm lãi suất hỗ trợ cho dòng tiền chuyển dịch vào TTCK qua đó hạn chế những nhịp rung lắc từ hoạt động chốt lãi.  
 
VN30 giằng co và suy yếu vào cuối phiên, các HĐTL mở rộng trạng thái chênh lệch âm.
Các HĐTL giảm mạnh hơn so với mức giảm -1.6% của VN30, qua đó mở rộng chênh lệch giá âm lên lần lượt -2.6%, -2.8%, -3.1% và -3.0% ở các kỳ hạn. VN30 giao dịch giằng, chưa xác định cũng khiến cho thanh khoản thu gọn. KLGD bình quân/ phiên giảm tuần thứ 2 về mức 12,531 tỷ/ phiên, tương đương mức giảm 11%. Hợp đồng tăng nhẹ 6% về mức 20,063 hợp đồng. Tương đồng với VN-Index, VN30 thất bại trong nỗ lực vượt SMA20 tại 813 điểm. Chỉ số tích lũy lại sau khi chạm kênh dưới vùng tích lũy hẹp 791 – 813 điểm. Dấu hiệu phân kỳ âm giữa VN-Index và các chỉ báo MFI, Momentum đang cảnh báo về khả năng chỉ số có thể quay lại kiểm tra đáy ngắn hạn 778 điểm. Trường hợp có nhịp rung lắc, NĐT có thể mở vị thế mua thăm dò khi ngưỡng hỗ trợ 778 điểm giữ vững cho hoạt động trading trong khoảng 778 – 813 điểm và ngược lại có thể mở vị thế bán khi vùng giá này bị phá vỡ.

Khuyến nghị trading ngắn hạn: Hạn chế giao dịch trong quá tích lũy lại sau nhịp điều chỉnh đến khi thị trường có biến động rõ ràng hơn.
Khuyến nghị đầu tư trung dài hạn: Giữ tỷ trọng, tiếp tục theo dõi vận động của dòng tiền và chỉ số.

Các cổ phiếu lưu ý về phân tích kỹ thuật:
Cổ phiếu chuyển biến tích cực: TLG, CMG, DHC
Cổ phiếu tích lũy: GEX, CII

Cập nhật hiệu suất danh mục i-Invest: 
Danh mục đáng chú ý trong tuần: Theme_Stay-at-home_2.3%

Những thông tin lưu ý trong tuần tới
• Thông tin về làn sóng Covid-19 thứ 2, và dữ liệu kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.
• Các dữ liệu kinh tế vĩ mô tháng 6 bao gồm tăng trưởng GDP.
• Thông tin về ĐHCĐ và dự kiến KQKD quý II của các công ty niêm yết.
• Ngày 29/6, Chủ tịch NHTW Anh phát biểu chính sách tiền tệ. 30/6, Chỉ số PMI Trung Quốc; GDP Canada; Chủ tịch FED điều trần Quốc hội. 1/7, Chỉ số PMI EU, Nhật và Mỹ; Thay đổi bản lương phi nông nghiệp và dự trữ dầu thô Mỹ. 2/7, Biên bản cuộc họp FOMC, Tỷ lệ thất nghiệp, đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ; Tỷ lệ thất nghiệp EU. 3/7, PMI dịch vụ của EU và Anh.

icon BSC
Webtrading
icon BSC
Smart Invest
icon Hỗ trợ
trực tuyến
Thu gọn
Liên kết nhanh