TTCK VIỆT NAM
Dòng tiền tích cực, VN-Index hình thành vùng tích lũy sát đỉnh và sớm kiểm tra 1,200 điểm.
Áp lực chốt lãi khiến VN-Index giao dịch giằng co trong 4 phiên dưới 1,200 điểm sau phiên tăng mạnh đầu tuần. Đà tăng điểm thu hẹp nhẹ, chỉ với 14/19 ngành tăng và 273 cổ phiếu tăng so với 106 cổ phiếu giảm. Nhóm tài chính duy trì mức tăng vượt trội 7.8%, dù nhiên dòng tiền luân chuyển cũng đẩy các nhóm Hóa chất, Ô tô và phụ tùng và Tài nguyên cơ bản tăng tốt. Thông tin sơ bộ về KQKD cũng đã ảnh hưởng đến nhiều cổ phiếu với diễn biến tăng giảm bất ngờ. VN-Index vẫn đang trong quá trình kiểm tra 1,200 điểm tuy nhiên khả năng phân hóa sẽ sớm diễn ra với KQKD được công bố.
NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều Thông tư 01, theo đó cơ cấu thời gian trả nợ đối với số dư nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện: (1) các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020; (2) phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/3/2021 và (3) khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thông tư 01 cũng quy định chi tiết trích lập dự phòng theo kết quả phân loại nợ của khách hàng theo lộ trình đến cuối 2021, 2022, 2023 và như bình thường vào 2024. Thông tư sửa đổi này cũng có ảnh hưởng đến KQKD các ngân hàng trong năm 2021.
TTCK THẾ GIỚI
TTCK Mỹ giao dịch giằng co ở vùng đỉnh chờ kế hoạch kích thích kinh tế của ông Biden.
Các TTCK chủ chốt, ngoại trừ Nhật bản giao dịch giằng co và điều chỉnh nhẹ. TTCK Mỹ đang chờ kế hoạch hỗ trợ của ông Biden, theo đó gói hỗ trợ trị giá 1,900 tỷ USD bao gồm: (1) chi 1,400 USD cho mỗi người dân, (2) tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, (3) 400 tỷ USD chi tiêu cho việc phòng chống Covid-19, trong đó 20 tỷ USD được dành cho vaccine. Đây là thử thách đầu tiên của ông Biden phải thuyết phục 2 Đảng thông qua gói hỗ trợ trên cương vị Tổng thống. Diễn biến trên thị trường hàng hóa biến động rõ rệt so với thị trường tiền tệ với sự tăng 1.8%, đóng góp chủ yếu từ nhóm Đường, Lúa mì, Cao su và Bạc.
Trong tuần tới, Tổng thống đắc cử Biden sẽ có một bài phát biểu nhậm chức trong làn sóng phản đối của người ủng hộ ông Trump và an ninh được siết chặt. Những thông điệp đưa ra được chờ đợi là những việc quan trọng cần thực hiện trước trong nhiệm kỳ tổng thống. Cùng với đó, NHTW Nhật Bản, Anh và Canada cũng công bố biên bản chính sách tiền tệ và các thông tin liên quan đến triển vọng kinh tế. Các chính sách tiền tệ nhiều khả năng vẫn giữ nguyên so với các kỳ họp trước đó.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Công ty niêm yết công bố KQKD dự kiến quý IV và năm 2020.
• Biến động thị trường tuần đáo hạn HĐTL 21/1 (trạng thái discount và hợp đồng mở ở mức cao).
• Ngày 18/1, GDP năm 2020, chỉ số sản xuất, doanh thu bán lẻ, thất nghiệp Trung Quốc; Chủ tịch BOE phát biểu. 20/1, CPI của EU; Lãi suất qua đêm, Biên bản chính sách tiền tệ NHTW Canada. 21/1, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ phát biểu; Báo cáo triển vọng kinh tế và Biên bản chính sách tiền tệ Nhật Bản; Biên bản chính sách tiền tệ ECB. 22/1, Thống đốc NHTW Anh phát biểu; Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ của Anh và EU.