TTCK VIỆT NAM
Đón nhận tin xấu, VN-Index có tuần thứ 2 giảm điểm với mức giảm mạnh 9.4%.
Xu hướng giảm điểm ngắn hạn xác lập khi VN-Index giảm dưới 1,130 điểm và có phiên giảm kỷ lục 6.7% ngày 28/1 trước tin Covid-19 trở lại cộng đồng. VN-Index chỉ hồi phục phiên cuối tuần qua đó thu hẹp mức giảm xuống 9.4% với 18/19 ngành tăng điểm và 377 cổ phiếu giảm so với 44 cổ phiếu tăng. Quá trình dò đáy vẫn đang diễn ra và còn quá sớm khẳng định về khả năng hồi phục khi VN-Index chưa thể vượt qua cản 1,083 điểm và đóng gap giảm giá tại 1,100 điểm. Diễn biến dịch bệnh và yếu tố tâm lý sẽ còn chi phối diễn biến thị trường trong tuần tới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng 22.2% YoY. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 6.4% YoY. Giải ngân vốn ngân sách tăng 24.5% YoY. Kim ngạch XK và NK tăng lần lượt 50.5% và 41% YoY; cán cân thương mại ước xuất siêu 1.3 tỷ USD. CPI tăng 0.06% tháng 12/2020 và giảm 0.97% YoY. Các dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh và XNK lấy đà tăng trưởng tốt ngày từ tháng 1. Tuy nhiên dịch bệnh (Phụ lục) đã quay lại cộng đồng sau hơn 55 ngày kiểm soát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong tháng 2.
Tính đến 29/1, 472 công ty niêm yết trên HSX và HNX, chiếm tỷ lệ 60%, đã công bố KQKD quý IV với tăng trưởng 26.7% so cùng kỳ. 33% số công ty tăng trưởng dương và 9% số công ty thua lỗ trong quý IV. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chiếm 5 vị trí đóng góp LN tuyệt đối nhiều nhất gồm VCB, TCB, VPB, ACB, MBB, chiếm 43% LNST gia tăng của toàn thị trường.
TTCK THẾ GIỚI
Kinh tế Hoa Kỳ giảm mạnh nhất từ năm 1946, thị trường có tuần biến động giảm.
GDP Hoa Kỳ ghi nhận mức giảm 3.5%, mức giảm mạnh nhất từ năm 1946. Trước đó, trong cuộc họp chính sách tháng 1, FED đã giữ nguyên lãi suất gần mức 0% và duy trì chương trình mua tài sản ít nhất 120 tỷ USD/tháng. Thị trường CK Mỹ biến động mạnh theo hướng giảm khi gói hỗ trợ không sớm được thông qua. Các thị trường Châu Á và Châu Âu đều đồng loạt giảm điểm. TTCK khu vực giảm khá mạnh trước áp lực ra từ khối ngoại. USD Index tăng nhẹ trở lại 0.5% và Chỉ số hàng hóa tăng 1.1%. Các kim loại ngoại trừ bạc và cao su tự nhiên giảm điểm trong khi giá gas và thép HRC tăng mạnh lần lượt 9.2% và 7.1%.
Theo sau ECB và BOJ, FED tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại. Chủ tịch FED cũng cho rằng còn quá sớm nói đến chuyện giảm quy mô tài sản. Do vậy, chính sách kinh tế nới lỏng tiền tệ vẫn là yếu tố nâng đỡ TTCK cho dù Chủ tịch FED không thừa nhận chuyện này. Gói hỗ trợ kinh tế 1,900 tỷ đang có dấu hiệu chững lại sau vài tuần nữa. Do vậy biến động và phân hóa của thị trường còn tiếp tục diễn ra trong mùa công bố KQKD quý IV tại các thị trường chủ chốt và trong khu vực.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Đại hội Đảng toàn quốc XIII từ 25/1 đến 2/2/2021.
• Công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 1/2021
• Công ty niêm yết công bố KQKD dự kiến quý IV và năm 2020.
• Ngày 1/2, PMI sản xuất EU, Anh và Hoa Kỳ; chỉ số thất nghiệp EU. 2/2, GDP lần đầu EU, chỉ số PMI dịch vụ Trung Quốc. 3/2, PMI dịch vụ EU, Hoa Kỳ, dự trữ dầu thô Hoa Kỳ. 4/2, Lãi suất và Báo cáo tiền tệ Anh, đơn xin trợ cấp lần đầu Hoa Kỳ. 5/2, Tỷ lệ thất nghiệp Canada và Hoa Kỳ.