TTCK VIỆT NAM
Kết thúc 2 tuần điều chỉnh, VN-Index ghi nhận tuần tăng điểm 6.65% với thanh khoản ở mức trung bình.
VN-Index hồi phục theo hình chữ V và tiến sát SMA20 tại 1,133 điểm sau nhịp bán tháo tuần trước. Các cổ phiếu VHM, VIC và nhóm cổ phiếu Ngân hàng dẫn đầu mức đóng góp tăng điểm tuy nhiên chỉ đóng góp hơn 1/2 số điểm tăng trong tuần nhờ đà tăng các cổ phiếu diễn ra trên diện rộng. Thị trường ghi nhận 18/19 ngành tăng điểm và 264 cổ phiếu tăng so với 111 cổ phiếu tăng. Nhịp giảm tuần trước vừa có tác dụng rũ bớt hoạt động giao dịch margin vừa đón nhận thêm lượng NĐT mới. Điều này phản ánh qua số tài khoản mở mới đạt kỷ lục 86,754 tài khoản và lực cầu bắt đáy mạnh mẽ ở nhịp điều chỉnh vừa qua. Mặc dù vẫn còn rủi ro kiểm soát dịch bệnh trong nước, biến động thế giới trong tuần nghỉ Tết nguyên đán, chúng tôi cho rằng VN-Index sau khi đóng gap giảm giá tại 1,100 điểm sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần tới và sẽ kiểm tra lại 1,200 điểm sau kỳ Nghỉ Lễ.
Tính đến 5/2, 714 công ty niêm yết trên HSX và HNX, chiếm tỷ lệ 94%, đã công bố KQKD quý IV với tăng trưởng 21.3% so cùng kỳ. 49% số công ty tăng trưởng dương và 13% số công ty thua lỗ trong quý IV. 5 cổ phiếu đóng góp lớn nhất về giá trị LNST tuyệt đối gồm VHM, HPG, CTG, VCB và GVR, chiếm 85% LNST gia tăng của toàn thị trường. 28/30 cổ phiếu VN30 công bố KQKD với mức tăng trưởng LNST 18% so cùng kỳ. Mùa công bố KQKD quý IV cơ bản hoàn thành với các cổ phiếu quan trọng. Kết quả tích cực này cũng phản ánh sự hồi phục của các doanh nghiệp niêm yết cuối năm 2020.
TTCK THẾ GIỚI
TTCK Hoa Kỳ dẫn đầu đà hồi phục, S&P 500 lập kỷ lục mới với 4 phiên tăng liên tiếp.
TTCK Hoa Kỳ hồi phục tích cực sau tuần giảm điểm nhờ đợt báo cáo KQKD mới và tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm. Tâm lý NĐT phục hồi sau những biến động tiêu cực cổ phiếu GameStop, sự lạc quan triển khai vắc-xin, chính sách nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ tài khóa đã giúp S&P 500 lập kỷ lục mới trong phiên 4/2. Các TTCK chủ chốt khác cũng đồng loạt tăng từ 3%-5% tuần qua. Biến động trên CTCK cũng ảnh hưởng tích cực đến các thị trường khác. Chỉ số hàng hóa Bcom Index tăng 3.2%, đóng góp chủ yếu từ mức tăng của giá dầu và gas tự nhiên. USD Index tăng 1%, mức tăng ghi nhận đều so với các đồng tiền chủ chốt khác và tăng đột biến 6.5% so với MMK (Myanma) do tác động tiêu cực từ cuộc đảo chính phe quân sự.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) nhận định nền kinh tế hồi phục vào giữa năm 2021 và tăng trưởng mạnh 4.6% năm nay. CBO cho rằng nền kinh tế phục hồi về mức trước thời dịch bệnh năm 2024 và FED sẽ giữa lãi suất gần mức 0% đến giữa năm 2024. Diễn biến đường cong lãi suất hiện tại cũng đang ủng hộ quan điểm này. Mức chênh lệch giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm (0.11%) và 10 năm (1.12%) là 1.12%, tương đương với mức chênh lệch thời điểm ông Trump trở thành Tổng thống và thị trường chờ chương trình cắt giảm thuế. Dấu hiệu này là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Hoa Kỳ và cũng phản ánh niềm tin sẽ có thêm các biện kích cầu cho kinh tế tăng trưởng đồng thời gia tăng kỳ vọng lạm phát dài hạn.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Công ty niêm yết công bố KQKD dự kiến quý IV và năm 2020.
• Thị trường có 1 tuần nghỉ Lễ Tết Nguyên đán từ 10/2 – 16/2.
• Ngày 8/2, Cung tiền M2 Nhật Bản; Cán cân thương mại Trung Quốc. 10/2, CPI, Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ và Chủ tịch FED phát biểu. 11/2, Tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ, Báo cáo dự báo kinh tế EU. 12/2, Chỉ số sản xuất, GDP quý của Anh.