TTCK VIỆT NAM
Thị trường đang diễn biến tích cực cho dù không giữ được ngưỡng tâm lý 1,200 điểm.
VN-Index có phiên vượt ngưỡng tâm lý 1,200 điểm trong tuần qua sau 3 tuần tích lũy với sự hỗ trợ tăng giá từ nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Mặc dù không giữ được ngưỡng tâm lý này để tạo động lực bứt phá, tạo nền giá mới thì diễn biến này cho thấy dòng tiền nội và tâm lý thị trường đang khá tích cực. Với thông tin KQKD quý I tích cực, nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang là trụ đỡ trong nhịp kiểm tra đỉnh. Trong tuần ETFs, HĐTL đáo hạn và khối ngoại bán ròng, VN-Index tăng 1.1% với 13/19 ngành tăng điểm và 226 cổ phiếu tăng so với 147 cổ phiếu giảm. Những ngành có triển vọng kinh doanh tốt như Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Ô tô và phụ tùng, Dịch vụ tài chính có mức tăng tốt. Thị trường có phản ứng tích cực với thông tin dự kiến KQKD quý I. Chúng tôi duy trì quan điểm thị trường vẫn đang diễn biến tích lũy tích cực chờ thông tin hỗ trợ để vận động xác lập xu hướng tăng giá.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 24/3/2021, bế mạc vào ngày 7/4/2021 và dự phòng 01 ngày (8/4/2021). Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày, trong đó tập trung cho công tác kiện toàn một số chức danh của bộ máy Nhà nước. Dự thảo thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón chuyển Quốc hội Khóa XV xem xét. Sau khi các vị trí chủ chốt Nhà nước thông qua, chính sách hỗ trợ tăng trưởng kỳ vọng được khởi động lại. Đây có thể là động lực cho TTCK bước sang chu kỳ tăng trưởng mới cùng với thông tin KQKD quý I của các Công ty niêm yết
TTCK THẾ GIỚI
TTCK Hoa Kỳ tiếp tục giằng co giữa triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi tức trái phiếu tăng mạnh.
Song hành với thông tin tích cực giữ nguyên chính sách nới lỏng hiện tại và đưa thông điệp giữ nguyên lãi suất chuẩn tới năm 2023 và nâng dự báo tăng trưởng GDP từ 5% lên 6.2%, FED cũng cho rằng không có lý do kìm hãm đà tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ. Lợi tức Trái phiếu kỳ 10 năm của Hoa Kỳ đã tăng vọt lên mức 1.745%, mức cao nhất từ 24/1/2020 kéo theo phản ứng tiêu cực ở nhóm cổ phiếu công nghệ. Kết thúc tuần, TTCK Hoa Kỳ điều chỉnh sau khi lập đỉnh trong khi các thị trường khác phân hóa mạnh. Dòng vối ngoại tiếp tục rút ra ở hầu hết các nước khu vực. USD mạnh, dữ trữ dầu thô Hoa Kỳ tăng, và thông tin Covid-19 tiêu cực ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đáng kể lên thị trường hàng hóa. Chỉ số hàng hóa giảm -2.1% với mức sụt giảm nhiều mặt hàng dẫn đầu là giá dầu và quặng sắt.
Theo sau NHTW Trung Quốc, NHTW Nhật Bản đã có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ theo đó từ bỏ mục tiêu chi 55 tỷ USD mua ETF mặc dù vẫn cam kết giữ chính sách tiền tệ ở chế độ nới lỏng. Định hướng nới lỏng tiền tệ chưa thay đổi, tuy nhiên các nước chủ chốt đã có những điều chỉnh không mở rộng thêm quy mô nhằm tránh tình trạng bóp méo trên thị trường chứng khoán. Diễn biến TTCK chưa ảnh hưởng quá mạnh nhưng sự điều chỉnh mạnh của giá dầu trong tuần qua cho thấy biến động trên TTCK có thể còn mạnh hơn khi lợi tức trái phiếu tiếp tục tăng mạnh như hiện tại.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Quốc hội khai mạc ngày 24/3 và bế mạc vào 7/4, trong đó tập trung cao cho việc kiện toàn các chức danh bộ máy nhà nước.
• VN-Index vẫn đang tích lũy tích cực dưới 1,200 điểm với sự ổn định của dòng tiền trong nước.
• Seabank (mã SSB) sẽ niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu ngày 24/3 với giá tham chiếu 16,800 đồng/CP.
• Ngày 22/3, Tỷ lệ thất nghiệp Anh, Doanh thu bán nhà Hoa Kỳ; Biên bản chính sách tiền tệ Nhật Bản. 24/3, PMI Anh, EU, Hoa Kỳ; Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ. 25/3, Chính sách tiền tệ NHTW Thụy Sỹ; Đơn xin trợ cấp thất nghiệp và GDP công bố lần cuối. 26/3, Doanh thu bán lẻ Anh; Thu nhập và chi tiêu cá nhân Hoa Kỳ.