TTCK VIỆT NAM
Áp lực bán tăng tại vùng đỉnh, VN-Index tiếp tục đi ngang với thanh khoản ở mức cao.
VN-Index chủ yếu giằng co giữ mốc 1250 trong 4 phiên đầu tiên nhưng đã giảm về dưới ngưỡng 1240 vào phiên Thứ Sáu . Cổ phiếu VIC dẫn đầu mức đóng góp tăng điểm tuy nhiên cũng chỉ giúp cân bằng lại số điểm bị giảm xuống từ nhiều cổ phiếu trên diện rộng. Thị trường ghi nhận 2/19 ngành tăng điểm và 113 cổ phiếu tăng so với 282 cổ phiếu giảm. Khối tự doanh bán ròng 397.5 tỷ trong 3 phiên từ 14-16/4. Trước đó, khối tự doanh mua 262.6 tỷ trong 2 phiên đầu tuần. Với những diễn biến trên, chúng tôi cho rằng thị trường cần thêm một nhịp điều chỉnh và tích lũy nữa trước khi có thể tiếp tục đà tăng trong dài hạn.
Thông tin đáng chú ý là iShares MSCI Frontier Markets 100 ETF sẽ sử dụng chỉ số MSCI Frontier and Emerging Markets Select Index làm chỉ số cơ sở mới để thay thế chỉ số MSCI Frontier Markets 100. Theo đó, quỹ được đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM ETF và làm tỷ trọng của Việt Nam chỉ còn I 16.15%, so với 28.76% như dự kiến ban đầu. Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 15.4%. Bên cạnh đó, quỹ VNDiamond sẽ cơ cấu lại danh mục vào cuối tháng 04 có thể tạo tác động ngắn hạn lên một số cổ phiếu lớn (trang 13) trong thời gian tới. Ngoài ra, việc Việt Nam được loại ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ sẽ phần nào giúp củng cố tâm lý của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
TTCK THẾ GIỚI
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều vượt đỉnh lịch sử mọi thời đại nhờ các số liệu tích cực về kinh tế vĩ mô.
Doanh số bán lẻ đã tăng 9.8% trong tháng 3, đà tăng mạnh bắt đầu khi chính phủ phân phối hàng trăm tỷ đô la quỹ kích thích kinh tế cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, số đơn xin việc làm đã giảm xuống còn 576,000 vào tuần trước từ 769,000 một tuần trước đó. Mặc dù yêu cầu bồi thường vẫn cao hơn mức phổ biến vào đầu năm ngoái, nhưng con số của tuần trước là thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Tổng số người nhận trợ cấp cũng giảm trong một loạt các chương trình liên quan đến đại dịch của tiểu bang và liên bang. Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp đã phục hồi trong tháng Ba sau khi sụt giảm vào tháng Hai. Sản lượng của nhà máy, tăng 2,7% so với tháng trước, giúp thúc đẩy đà tăng. Các số liệu này đã vẽ lên một triển vọng hồi phục tích cực và từ đó, làm gia tăng kỳ vọng lợi nhuận của các nhà đầu tư lên TTCK Hoa Kỳ.
Đối với các khu vực khác, TTCK các quốc gia phương Tây đều có mức tăng điểm so với tuần trước nhờ kết quả kinh tế tích cực. Các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc đều điều chỉnh. Trong đó, Trung Quốc đã công bố kết quả tăng trưởng kinh tế quý I.2021 và đạt 18.3% nhưng nếu loại bỏ số liệu đột biến năm ngoái thì nền kinh tế này thực tế chỉ tăng trưởng 5.4%. Điều này cũng đã phản ánh lên hoạt động giao dịch của TTCK Trung Quốc trong tuần. Ngoài ra, chỉ số BCOM cũng tăng 3.0% so với tuần trước với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm xăng và dầu khí do cuộc tấn công của Houthi và kỳ vọng hồi phục kinh tế lạc quan hơn
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• VN-Index khả năng vận động trong khu vực 1215-1245
• Ngày 19/04: Nhật Bản công bố số liệu xuất nhập khẩu và chỉ số sản xuât công nghiệp tháng 03. Ngày 20/04: NHTW Úc công bố biên bản họp tiền tệ, Đức công bố chỉ số giá sản xuất PPI, Anh công bố tỷ lệ thất nghiệp. Nga công bố chỉ số bán lẻ và tỷ lệ thất nghiệp. Ngày 21/04: Anh công bố chỉ số lạm phát, giá hàng hóa sản xuất, doanh số bán lẻ. Canada công bố chỉ số lạm phát. Ngày 22/04: EU họp về chính sách tiền tệ. Ngày 23/04:: Nhật Bản công bố tỷ lệ lạm phát, Anh công bố chỉ số bán lẻ. Mỹ công bố chỉ số Flash PMI cho tháng 04