TTCK VIỆT NAM
Các Quỹ ETF cơ cấu, VN-Index chủ yếu dao động trong kênh giá đi ngang.
Xu hướng tích lũy ngắn hạn được duy trì khi VN-Index giữ được mốc 1,215 điểm sau phiên giảm mạnh 2.62% ngày 26/4. VN-Index hồi phục trở lại vào 3 phiên liền sau qua đó thu hẹp mức giảm của tuần xuống còn 0.73% với 7/19 ngành tăng điểm và 146 cổ phiếu tăng so với 243 cổ phiếu giảm. Quá trình đi ngang vẫn đang diễn ra và còn quá sớm khẳng định về khả năng bứt phá khi VN-Index chưa thể vượt qua cản 1,250 điểm. Nếu diễn biến dịch bệnh trở nên xấu hơn sau nghỉ lễ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong tuần tới.
Tính đến 29/4, 497 công ty niêm yết trên HSX và HNX, chiếm tỷ lệ 63%, đã công bố KQKD quý I với tăng trưởng 53% so cùng kỳ. 86.5% số công ty tăng trưởng dương và 13.5% số công ty thua lỗ trong quý I. Những cổ phiếu đóng góp LN tuyệt đối nhiều nhất gồm HPG, VHM, TCB, MBB, VPB, chiếm 45% LNST gia tăng của toàn thị trường.
TTCK THẾ GIỚI
Vận động phục hồi vững vàng tại Mỹ, tiêu cực hơn tại Châu Âu
Số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh tại Ấn Độ, đạt 389.5 nghìn trung bình 3 ngày gần nhất, với tốc độ lây là 1.4 lần. Điều này cho thấy, tại công xưởng sản xuất thuốc lớn nhất thế giới, tác động của Covid-19 tiếp tục tiêu cực ngắn hạn, ảnh hưởng lớn triển vọng phân phối vaccine đặc biệt tại nước kém phát triển. Tại nước phát triển, mà rõ nhất là Mỹ, nguồn cung vaccine lớn là tiền đề hồi phục trong những giai đoạn tiếp theo. GDP quý I/2021 tăng 6.4% QoQ , thu nhập cá nhân và tiêu dùng cá nhân tháng 3/2021 tăng lần lượt là 21.1% MoM và 4.2% MoM. Tuy vậy, TTCK Mỹ giằng co trong tuần qua (Dow Jones -0.5%, Nasdaq -0.4%), chịu tác động lớn bởi kết quả kinh doanh. Cùng với đó, lao động giữ vững đà hồi phục (đơn xin trợ cấp đạt 553 nghìn), và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE ) tăng 2.3% YoY, và PCE cơ bản tăng 1.8% YoY, cùng quan điểm bớt tiêu cực với dịch bệnh của FED, gia tăng khả năng FED thu hẹp các biện pháp kích thích sớm, phần nào ảnh hưởng tiêu cực triển vọng thị trường, khi những gói kích cầu mới vẫn đang nằm trong vòng đàm phán. TTCK Châu Âu giảm (DAX -0.9, CAC +0.2) do kết quả GDP yếu kém (GDP EU -0.6% QoQ, và GDP Đức -1.7% QoQ). Tuy vậy, với việc vaccine khả năng đẩy mạnh phân phối trong giai đoạn tới, và lạm phát cơ bản tăng +0.9% YoY, là yếu tố ủng hộ giữ vững nới lỏng chính sách trong 2021. TTCK Trung Quốc cũng vận động kém tích cực tuần qua, góp phần bởi chỉ tiêu PMI thấp (sản xuất đạt 51.1 điểm, và dịch vụ đạt 54.9). Với việc lạm phát tăng mạnh, báo cáo lao động khả năng tiếp tục cho thấy tích cực, có thể làm tăng mạnh kỳ vọng giảm dần biện pháp trợ giúp của những ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Lưu ý diễn biến của tình trạng dịch bệnh COVID-19.
• VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1250 điểm.
• Ngày 03/05, Đức Công bố chỉ số bán lẻ tháng 03, EU công bố chỉ số PMI, Hoa Kỳ công bố chỉ số PMI và chủ tịch FED phát biểu về chính sách tiền tệ, Hàn Quốc công bố chỉ số lạm phát. Ngày 04/05, Canada công bố xuất nhập khẩu, Úc tuyên bố chính sách tiền tệ, Hoa Kỳ công bố xuất nhập khẩu. Ngày 05/05, EU công bố chỉ giá cả hàng hóa công nghiệp, thành viên ECB phát biểu về chính sách tiền tệ, BỌ công bố biên bản họp chính sách tiền tệ. Ngày 06/05, Ngân hàng trung ương Anh công bố quyết định về chính sách tiền tệ, Pháp công bố chỉ số bán lẻ. Ngày 07/05, Trung Quốc, Đức, Pháp, Ý công bố dữ liệu xuất nhập khẩu, chủ tịch ECB phát biểu về chính sách tiền tệ, Nga công bố lạm phát tháng 03.