TTCK VIỆT NAM
Thị trường phân hóa, suy yếu trước cản 1,375 điểm.
VN-Index vận động trong biên độ rộng từ 1,310 – 1,375 điểm vào tuần qua. Chỉ số phân hóa và suy yếu trước áp lực bán trên 1,350 điểm nhưng lực đỡ xuất hiện khi chỉ số giảm dưới 1,320 điểm. Kết thúc tuần, VN-Index giảm -1.62% với 166 cổ phiếu tăng so với 223 cổ phiếu giảm. Nhóm cổ phiếu Dịch vụ tài chính tiếp tục dẫn dắt thị trường dù các cổ phiếu lớn khác đang phân hóa khiến cho chỉ số vận động giằng co. Các cổ phiếu thuộc các ngành như Du lịch và giải trí, Thực phẩm và đồ uống, Truyền thông vẫn tăng tốt và thu hút dòng tiền nhà đầu tư. Với việc khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng và hoạt động cơ cấu ETFs, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang diễn biến tích lũy để chờ thông tin hỗ trợ để vận động xác lập xu hướng.
TTCK THẾ GIỚI
Lạm phát Hoa Kỳ tăng mạnh nhất từ năm 2008, ECB duy trỉ chính sách nới lỏng tiền tệ.
Bộ Lao động Hoa kỳ cho biết mức tăng trong 05 của chỉ số giá tiêu dùng là cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008, khi chỉ số này tăng 5.4%. Chỉ số lạm phát cơ bản, không bao gồm các danh mục thực phẩm và năng lượng thường xuyên biến động, đã tăng 3,8% trong tháng 5 so với năm trước - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6 năm 1992. Giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 7.3% so với tháng trước, dẫn đến một phần ba mức tăng trong chỉ số chung. Các chỉ số về đồ nội thất, giá vé máy bay và quần áo cũng tăng mạnh trong tháng Năm. Các yếu tố như tiêm chủng Covid-19 hiệu quả, hạn chế kinh doanh được nới lỏng, hàng nghìn tỷ đô la trong các chương trình cứu trợ của chính phủ đã thúc đẩy nhu cầu chi tiêu và du lịch của người Mỹ nhiều hơn. Với kết quả lạm phát này, FED có thể chịu nhiều áp lực hơn trong quá trình suy giảm chính sách nới lỏng trong buổi họp ngày 15-16/06 sắp tới.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã nâng cấp triển vọng kinh tế của mình đối với khu vực đồng euro nhưng cho biết họ sẽ giữ nguyên kích thích tiền tệ tích cực. Cụ thể, kinh tế khu vực EU sẽ tăng trưởng 4.6% năm 2021 và 4.7% năm 2022 với lạm phát lần lượt đạt 1.9% và 1.5%. ECB sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức – 0.5% và tiếp tục mua nợ của khu vực đồng euro theo chương trình mua trái phiếu khẩn cấp 1.85 nghìn tỷ Euro, tương đương 2.2 nghìn tỷ USD, cho đến ít nhất là tháng 3 năm 2022. Chủ tịch ECB cũng đưa ra nhận định Bất kỳ sự khác biệt nào giữa ECB và Fed sẽ giúp giữ giá đồng euro so với đồng đô la và hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu khi họ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Với chính sách này, nền kinh tế Euro và TTCK châu Âu có thể tăng trưởng khá tích cực trong năm 2021.
TTCK Hoa Kỳ (S&P 500 +0.4%) và EU (CAC +1.3%, FTSE + 0.8%) đồng loạt tăng trưởng tích cực trong tuần qua nhờ các thông tin vĩ mô tích cực. TTCK Trung Quốc -0.06% khi không có các thông tin gây ảnh hưởng mạnh. Tỷ giá Dollar Index tăng 0.5% trong bối cảnh chỉ số giá hàng hóa BCOM Index tăng 0.3% với mũi nhọn tăng trương đến từ nhóm khí gas và quặng sắt.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Lưu ý diễn biến của tình trạng dịch bệnh COVID-19.
• VN-Index khả năng sẽ tiếp tục vận động trong khu vực 1330-1370 điểm.
• Ngày 14/6, Hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Anh phát biểu về việc dừng giãn cách xã hội như kế hoạch trước đó diễn ra ngày 21/6, Châu Âu và Nhật công bố sản lượng công nghiệp. Ngày 15/6, Hội nghị thượng đỉnh Âu-Mỹ, Pháp, Đức, và Ý công bố chỉ số giá tiêu dùng, E.U. công bố dữ liệu cán cân thương mại, Mỹ công bố sản lượng công nghiệp, chỉ số giá sản xuất, doanh thu bán lẻ hàng hóa. Ngày 16/6, dự phóng lãi suất, lạm phát, thất nghiệp của FED, quyết định điều hành lãi suất của FOMC, phát biểu sau cuộc họp của chủ tịch FED, Trung Quốc công bố sản lượng công nghiệp, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dữ liệu thất nghiệp. Ngày 17/6, E.U. công bố chỉ số giá tiêu dùng. Ngày 18/06, quyết định điều hành lãi suất của NHTW Nhật Bản, phát biểu sau của họp của chủ tịch NHTW Nhật Bản, Nhật Bản công bố chỉ số giá tiêu dùng, Đức công bố chỉ số giá sản xuất.