TTCK VIỆT NAM
Điều chỉnh mạnh cuối tuần, kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1320 điểm.
VN-Index tiếp tục vận động giằng co tại vùng đỉnh 1370-1380 điểm trong 4/5 phiên giao dịch nhưng đã điều chỉnh mạnh vào cuối phiên do thông tin giới nghiêm tại TP HCM. Dòng tiền đầu tư thoát khói thị trường khi chỉ có 4/19 ngành tăng điểm với 168 cổ phiếu tăng và 202 cổ phiếu giảm. Thanh khoản thị trường tăng cao đột biến và đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng vào phiên cuối tuần thể hiện rõ tâm lý bán tháo sau 1 tháng hồi phục của thị trường. Với xu hướng như vậy, VN-Index sẽ kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1320 điểm vào tuần tới. Nếu thành công, VN-Index sẽ duy trì xu hướng vận động trong vùng 1320-1350 điểm. Nếu không, thị trường có thể điều chỉnh xuống ngưỡng hỗ trợ 1260 điểm.
Theo dữ liệu ngày 18/08, BSC dự đoán dạnh mục ETF FTSE VN và ETF VNM như sau. Đầu tiên, FTSE Vietnam sẽ thêm VCI vào danh sách và không loại cổ phiếu nào (VJC, APH có thể bị loại nếu thanh khoản giảm sút trong những phiên giao dịch cuối tháng 8. Tiếp theo, ETF VNM sẽ thêm mới cổ phiếu KDC và DGC và không loại cổ phiếu nào. ( Chi tiết xin xem trang 10-12)
TTCK THẾ GIỚI
Biên bản họp FOMC xác nhận khả năng thu hẹp biện pháp nới lỏng, TTCK thế giới điều chỉnh
TTCK Mỹ giảm điểm tuần qua (Dow Jones -1.11%, NASDAQ -0.73%, S&P500 -0.59%), chịu tác động lớn bởi biên bản họp FOMC trong tháng 7. Biên bản họp xác nhận quan điểm thu hẹp biện pháp nới lỏng qua việc hạn chế thu mua tài sản – tín phiếu chính phủ cùng chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp – khả nằng bắt đầu vào thời điểm cuối 2021. Tuy vậy, thời điểm chính xác cũng như lượng giảm thu mua chưa đạt đồng thuận. Hội nghị Jackson Hole tuần sau, cũng như cuộc họp tiếp tới trong tháng 9 quan trọng trong bối cảnh một loạt các chỉ báo về vĩ mô tiếp tục cho thấy vận động hồi phục chậm lại tại Mỹ. Sản lượng công nghiệp có mức tăng 6.6% YoY trong tháng 7, sau khi tăng 9.9% YoY trong tháng 6. Bán lẻ có mức tăng 15.8% YoY trong tháng 7, sau khi tăng 18.7% YoY trong tháng 6. Trong ngắn hạn, việc biên bản họp gần nhất xác nhận thu hẹp biện pháp nới lỏng dường như tác động tiêu cực tới hoạt động, tâm lý đầu tư, phản ánh qua việc các thị trường đều ghi nhận mức giảm điểm mạnh tuần qua. Chỉ số DAX giảm -1.06%, chỉ số Euro Stoxx 50 giảm -1.94%. TTCK Trung Quốc điều chỉnh giảm sau khi vận động phục hồi khá tích cực lên trên 3500 điểm trong tuần liền trước, bối cảnh chính quyền nước này có thể tăng cường các biện pháp giám sát trong ngành công nghệ. Đồng thời, dữ liệu vĩ mô không mấy tích cực trong tháng 7 cũng góp phần vào vận động điều chỉnh trong tuần qua. Sản lượng công nghiệp có mức tăng 6.4% YoY trong tháng 7, sau khi tăng 8.3% YoY trongt tháng 6. Bán lẻ hàng hóa có mức tăng 8.5% YoY trong tháng 7, sau khi tăng 12.1% YoY trong tháng 6. Nhiều chỉ báo vĩ mô gần đây hướng về luận điểm kinh tế thế giới phục hồi chậm lại khả năng tiếp tục tác động tiêu cực tâm lý đầu tư trong giai đoạn tới. Trên thị trường hàng hóa, dầu thô Brent giảm -7.7%, dầu thô WTI giảm -8.9%, trong khi quặng sắt giảm -8.0%, phản ánh triển vọng kém tích cực khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh trên tại các quốc gia mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
THÔNG TIN LƯU Ý TUẦN TIẾP THEO:
• Lưu ý diễn biến của tình trạng dịch bệnh COVID-19.
• VNIndex trong tuần tiếp theo dự kiến kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1320 điểm.
• Ngày 23/8, Châu Âu công bố PMI dịch vụ, PMI sản xuất, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp công bố PMI sản xuất. Ngày 24/8, Phó Tổng thống Hoa Kỳ công du Việt Nam từ 24-26/8, Đức công bố GDP. Ngày 26/8, Hội nghị chính sách kinh tế được tổ chức tại Jackson Hole, Hoa Kỳ công bố GDP, Châu Âu công bố cung tiền M3. Ngày 27/8, Hoa Kỳ công bố thu nhập cá nhân, tiêu dùng cá nhân, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, Trung Quốc công bố lợi nhuận công nghiệp, Nhật bản công bố chỉ số giá tiêu dùng.